Saturday, October 31, 2009

Tri âm ( Bá Nha - Tử Kỳ )

Cách đây đến mấy ngàn năm, vào thời Xuân thu Chiến quốc, đất nước Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy, Tề, Ngụy, Sở,... Trong thời buổi loạn ly ấy, có những nhân tài muốn nhân cơ hội để phát huy khả năng của mình, nhưng cũng có người vì chán cảnh thế nhân đau khổ nên tìm nơi xa lánh, ẩn cư. Lúc đó, ở nước Tề, có một vị tướng quốc tên là Du Bá Nha. Ông là một người có tài tế thế ấn bang, một tay giúp Tề Vương củng cố và xây dựng đất nước Trung Hoa trở thành nước lớn lúc bấy giờ. Và ít ai biết rằng Du Bá Nha còn là một trong những kỳ nhân về đàn. Cây đàn của ông là một trong những báu vật đương thời. Điều đặc biệt ở chỗ, cây đàn của ông được làm bằng cây ngô đồng. Từ loại gỗ đặc biệt được dùng để làm nhạc cụ ấy, người ta đã công phu chọn một cây ưng ý nhất trong cả ngàn cây. Phần ngọn được bỏ đi, vì gỗ non sẽ làm tiếng đàn quá trong trẻo và non nớt. Phần gốc cũng không dùng, vì gỗ quá già, tiếng đàn sẽ bị đục, không hay. Họ chỉ giữ lại phần giữa để làm đàn cho Bá Nha.


Trong những năm tháng chiến tranh, cây đàn vẫn theo Bá Nha đi khắp mọi nơi, từ những lúc gian nan nhất đến những khi thành công vang dội nhất. Thế nhưng, Bá Nha vẫn ấp ủ một nỗi buồn trong tâm trí, bởi lẽ, khi ấy có biết bao nhiêu tao nhân mặc khách, ông vẫn không thể tìm được người nào có thể hiểu được tiếng đàn cũng như hiểu được nỗi lòng ông.

Rồi vào một đêm nọ, trên đường đi kinh lý trở về ngang qua một khu rừng hoang vắng, Bá Nha nhìn thấy cảnh vật thanh tịnh và trầm lắng vô cùng. Cánh rừng già âm u bên bờ sông ấy vừa rực sáng dưới trăng khuya, lại vừa sâu thẳm mịt mù. Bá Nha cho thuyền ghé lại bên bờ, hạ trại. Sau đó, ông tìm được một phiến đá rất to nằm dưới cây cổ thụ. Bá Nha lệnh người mang đàn đến; ông thắp bật trầm hương, ngồi lặng lẽ suy tư một lát, và trỗi lên khúc nhạc của lòng mình. Đàn vừa ngân lên được nửa bài thì bị đứt dây. Bá Nha rất đỗi kinh ngạc, nhưng vẫn vô cùng mừng rỡ: Có người nào đó đã hiểu được ông, thấu đáo tất cả những tâm tư ông đã dồn hết trong tiếng nhạc. Bởi vậy, Bá Nha nhất quyết yêu cầu đoàn tuỳ tùng tìm cho bằng được người đã nghe đàn để đưa đến gặp ông.

Lúc bấy giờ, trên cây cổ thụ, nơi mà Bá Nha đang ngồi đàn, quả thật có một người đang ở đó. Người ấy là một người tiều phu rất nghèo tên gọi Chung Tử Kỳ. Ông vốn sống chung với thân phụ của mình trong một ngôi làng ven rừng cách đó khá xa. Hôm ấy, ông định bụng đi tìm thật nhiều củi, gánh về để bán lấy tiền mua thang thuốc cho cha già đang bệnh nặng. Ông mải lo kiếm củi mà quên cả thời gian, đến khi hay thì đêm đã về khuya, trăng đã lên cao, đường về thì xa, lại có biết bao nhiêu nguy hiểm, nên Tử Kỳ đành phải ở lại trong rừng ngủ qua đêm. Không ngờ, nơi ông nằm ngủ lại chính là nơi tướng quốc Du Bá Nha chọn làm nơi đánh đàn. Không hiểu vì cơ duyên nào ông lại được nghe và hiểu được trọn vẹn nỗi niềm tâm sự ấy, thế nên đàn mới đứt.

Từ trên cây nhìn xuống, thấy nhiều người đốt đuốc sáng rực một vùng, Tử Kỳ lo sợ trong lòng vì tưởng Bá Nha tức giận, muốn hại mình. Nhưng vì bản tính là người trung thực và thẳng thắn nên Tử Kỳ bèn leo xuống để đoàn tuỳ tùng đưa ông đến tiếp kiến Bá Nha. Vừa thấy Tử Kỳ quì tạ lỗi, Bá Nha vội vã đỡ ông dậy và đưa ông bước lên tảng đá lớn ngồi đàm đạo. Đêm càng về khuya, hai người càng nói chuyện vô cùng tâm đắc. Bên ánh lửa bập bùng bên rừng vắng, hai con người tượng trưng cho hai thế giới khác xa nhau, một người tột đỉnh cao sang, đứng đầu một nước một người chỉ là một tiều phu nghèo khó chốn thâm sơn, thế mà họ lại có thể hiểu nhau, thân nhau, và cuối cùng cả hai nâng chén rượu thề kết tình huynh đệ. Sau khi kết nghĩa, Bá Nha thay dây đàn và tiếp tục khúc nhạc còn dang dở. Quả nhiên, đàn ngân lên đến đâu, Tử Kỳ giải bày nỗi lòng của Bá Nha đến đó.

Tiệc vui đến mấy cũng tàn... Khi đàn vừa dứt cũng là lúc gà rừng gáy sáng. Bá Nha lại phải lên đường tiếp tục về kinh. Tử Kỳ phải quay về lo cho cha già đang đau yếu. Khi này, Bá Nha đã hiểu gia cảnh của Tử Kỳ và ngỏ ý muốn tặng cho người em mình thật nhiều vàng bạc châu báu. Tuy nhiên, dù có nói thế nào, Tử Kỳ cũng cương quyết không nhận bất cứ thứ gì ngoại trừ tình cảm của Bá Nha. Trước lúc chia tay, Bá Nha hẹn với Tử Kỳ đến năm sau, vào đúng giờ này, tại chính nơi đây, hai anh em sẽ gặp nhau và khi ấy sẽ cùng hàn huyên tâm sự. Tử Kỳ đồng ý… Và họ ra đi…. Đêm hôm ấy chính là Đêm rằm Tháng Tám. Tiết Trung Thu.


Thời gian thấm thoát thoi đưa. Bá Nha, từ khi về kinh đô, dù bận trăm ngàn việc nước ông vẫn không quên người em trai kết nghĩa ngày xưa. Vì vậy, khi tạm yên công việc, Bá Nha lại đi thuyền về khúc sông ngày trước. Khi đến nơi thì chỉ mới buổi bình minh của tiết Trung Thu và đến tối mới đến giờ hẹn. Bá Nha nảy ra ý định tìm đến thăm nhà của Tử Kỳ. Dò hỏi mãi, và phải băng qua một cánh rừng mới đến được ngôi làng mà Tử Kỳ đang ở. Tìm được nhà thì trời đã xế chiều. Ông bước vào trong. Ngôi nhà lạnh lẽo và trống vắng. Chỉ có một ông lão già nua râu tóc bạc phơ đang ngồi lặng lẽ trước chiếc lư hương có cắm một nén nhang đã gần tàn. Bá Nha ra mắt ông cụ. Cụ nói: "Tôi chờ đại nhân đã lâu rồi." Bá Nha hỏi Tử Kỳ. Ông cụ tiếp: "Con tôi bận chút việc, giờ chưa gặp ngài đươc đâu. Tối nay, tôi sẽ đưa ngài đi gặp nó."

Đến tối, mọi người lên đường, ông cụ đưa Bá Nha đi qua cánh rừng cũ. Theo bước chân cụ, Bá Nha đến trước một ngôi mộ dưới tán cây cổ thụ, bên tảng đá ngày nào hai anh em đã cùng nhau trò chuyện suốt đêm. Ông cụ khóc nghẹn ngào và nói: "Bây giờ thì đại nhân đã gặp con tôi rồi đó." Bá Nha sững sờ đến lặng người. Ông có ngờ đâu ngày gặp Tử Kỳ lần đầu tiên lại cũng là ngày cuối. Từ khi chia tay, vì Tử Kỳ quá lao tâm lao lực để lo thang thuốc cho cha nên phải lâm trọng bệnh. Lúc cha Tử Kỳ vừa qua khỏi nguy nan cũng là lúc Tử Kỳ phải đi xa mãi mãi. Trước lúc lâm chung, ông nói với cha tâm nguyện cuối cùng là muốn được yên nghỉ nơi này để đợi Bá Nha.

Trong đau xót tột cùng, Bá Nha thắp hương khấn vái tiếc thương em. Sau đó, ông cho người mang cây đàn quý giá của ông đến. Ngồi bên ngôi mộ của Tử Kỳ, dưới ánh trăng khuya, Bá Nha lặng lẽ đàn lên khúc bản nhạc ngày xưa. Nhưng chỉ được nửa bài, đàn lại đứt dây! Bá Nha ngửa mặt than rằng: "Trên đời này, dù có thế nào, cũng chỉ có Tử Kỳ mới hiểu được Bá Nha. Nay Tử Kỳ đã ra đi thì cây đàn kia ta còn giữ lại làm gì nữa." Rồi ông đập cây đàn vào tảng đá,... vỡ tan!...

No comments:

Post a Comment

Leave your comment here, and please check back in 1 or 2 days for a reply. Thank you :)

Click Subscribe by email to be announced when new comments are added :)

Hãy để lại comment và quay lại trong 1 hay 2 ngày để xem trả lời. Cám ơn :)

Hay có thể click Subscribe by email để được thông báo khi có comment mới :)