Saturday, September 12, 2009

Hổ không phải... mèo!

Người ta nuôi hổ, một con vật được gọi là chúa sơn lâm, nhưng hành xử hết sức cẩu thả. Đó là chuồng trại không quy chuẩn, tường rào ngăn cách giữa các chuồng chỉ cao 2,5m (không phải 4m như thông tin ban đầu do khu du lịch Đại Nam cung cấp)... Và đó là nguyên nhân dẫn đến vụ hổ vồ chết người.

Hổ
tại vườn thú của khu du lịch Đại Nam nuôi theo hình thức bán hoang dã trong một khu vực riêng, cách ly với du khách bằng một hào nước sâu 4m, rộng 5-8m, bên ngoài còn có một vách ngăn bằng kính cao 2m và một rào bêtông giả gỗ cao 1m. Sau sự cố hổ vồ chết người, sáng 11-9, ban quản lý dán thông báo tạm ngưng đón khách tham quan tại khu vực nuôi hổ.

Quá chủ quan !

Vị trí ông Nguyễn Công Danh bị hổ vồ chết là một hố trồng cây ở cách mép hào nước chưa đầy 2m, ngay khu vực sân chơi của đôi hổ trắng. Khu nuôi hổ trắng được cách ly với khu nuôi hổ vàng (hổ Đông Dương) bên cạnh bằng một tường đắp ximăng mỏng, cao chỉ hơn 2m (tường trình với đoàn kiểm tra, ông Dương Thành Phi - giám đốc vườn thú Đại Nam - thừa nhận đã quá lúng túng khi trả lời báo chí nên nói đại là tường cao 4-5m gì đó). Ở mỗi phía tường chắn lắp hệ thống xung điện, theo nhân viên kỹ thuật của vườn thú, sử dụng dòng điện một chiều có điện áp 10.000V nhằm ngăn không cho hổ đến gần để leo trèo sang “nhà hàng xóm”.
Ảnh mô phỏng theo tường trình: con hổ đã dễ dàng vượt tường rào 2,5m và gốc cây (khoanh tròn, có mũi tên) là nơi xảy ra sự cố thương tâm - Ảnh: Hoàng Thạch Vân - đồ họa: V.Cường
Ảnh mô phỏng theo tường trình: con hổ đã dễ dàng vượt tường rào 2,5m và gốc cây
(khoanh tròn, có mũi tên) là nơi xảy ra sự cố thương tâm

Theo tường thuật của ông Dương Thành Phi, trước khi xảy ra sự cố, nhân viên vườn thú dùng xe cẩu vươn qua vách kính, phía trên hào nước để chuyển một cây xanh cao hơn 4m vào trồng bên trong. Trong lúc các nhân viên đang trồng cây, một con hổ vàng từ khu vực bên cạnh bất thần phóng vọt qua bức tường ngăn giữa hai khu và vồ lấy anh Nguyễn Thanh Giàu. Do anh Giàu nhảy xuống hào nước và chú hổ bị mọi người xua đuổi nên tạm lui vào một góc sân. Nhưng liền sau đó, chú hổ phát hiện ông Nguyễn Công Danh đang loay hoay ở mé nước, dưới gốc cây đang trồng nên quay phắt lại tấn công, khiến ông không kịp trở tay và thiệt mạng ngay tại chỗ.

Trả lời câu hỏi trước khi trồng cây nhân viên vườn thú có phát hiện dấu hiệu bất thường nào từ các chú hổ hay không, ông Phi cho biết hoàn toàn không có gì bất thường. Ông Phi nói có khả năng là do sự xuất hiện của các nhân viên với nhiều thiết bị trên tay và nhất là việc chuyển cây xanh đu đưa trên không khiến chú hổ tức mình.

Bức tường giữa hai khu nuôi hổ dường như không đủ cao để ngăn “ông ba mươi”? Ông Phi nhìn nhận bình thường không vấn đề gì nhưng có thể trong tình huống bị kích động nên chú hổ đã làm chuyện động trời: phi qua tường chắn! Lúc tiến hành trồng cây phải chăng hệ thống xung điện đã bị ngắt?

Ảnh mô phỏng theo tường trình: con hổ đã dễ dàng vượt tường rào 2,5m và gốc cây (khoanh tròn, có mũi tên) là nơi xảy ra sự cố thương tâm - Ảnh: Hoàng Thạch Vân - đồ họa: V.Cường
Ông Phi và nhân viên kỹ thuật của vườn thú đều cho rằng chỉ ngắt điện phía khu vực hổ trắng (nơi trồng cây), lưới điện phía khu vực hổ vàng vẫn duy trì. Theo phán đoán của một cán bộ kiểm lâm, xung quanh bức tường chắn có nhiều mảng đá nhân tạo đắp bằng xi măng nổi cao trên mặt đất, có thể chú hổ đã lợi dụng các mảng đá này để làm... bệ phóng.

Sáng 11-9, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đã tiến hành kiểm tra chuồng trại nuôi thú tại khu du lịch Đại Nam. Đoàn xác định nguyên nhân dẫn đến hổ cắn chết người là do hổ đang trong thời kỳ động dục, trong khi đó việc dùng cần cẩu đưa cây xanh vào khu vực nuôi hổ đã khiến hổ hoảng sợ và tìm cách lao ra ngoài.

Chiều qua, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đã có buổi làm việc với đại diện khu du lịch Đại Nam. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu phía khu du lịch này phải đóng cửa ngay khu vực thú hung dữ cho đến khi kiểm tra, tu bổ xong chuồng trại.
Một con hổ ở khu du lịch Đại Nam (ảnh chụp chiều 11-9) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Một con hổkhu du lịch Đại Nam (ảnh chụp chiều 11-9) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Ông Trần Văn Nguyên - chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương - cho hay: “Đoàn kiểm tra xác định đây chỉ là sự cố do rủi ro. Đoàn đã lập biên bản sự việc và yêu cầu công ty sớm hoàn chỉnh thiết kế chuồng trại khu vực nuôi thú”.

Ai chịu trách nhiệm?

Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhân viên vườn thú đã xua chú hổ về chuồng và lắp thêm một dãy rào bằng lưới B40 cao hơn 1m ngay trên đỉnh bức tường ximăng hiện hữu. Làm việc với đoàn kiểm tra và trả lời các phóng viên trưa 11-9, ông Phi cho biết trước mắt sẽ tạm ngưng hoạt động ở khu vực nuôi hổ trong một tuần để gia cố thêm rào sắt cao 5m dọc lối đi.

Theo ông Phi, “thủ phạm” vượt tường và cắn chết ông Nguyễn Công Danh là một chú hổ đực 5 tuổi và có trọng lượng khoảng 180kg. Ông Phi cho biết hiện tại vườn thú của khu du lịch Đại Nam có tổng cộng 16 con hổ, gồm chín con trưởng thành có nguồn gốc do các cá nhân hiến tặng và bảy con hổ con sinh sản sau này. Trong khi đó, theo số liệu do ông Trần Văn Nguyên cung cấp, số hổ hiện nuôi tại vườn thú khu du lịch Đại Nam có đến 18 con, ngoài 16 con hổ Đông Dương còn có hai con hổ trắng được nhập về từ Mexico. Ông Nguyên xác nhận khu du lịch Đại Nam được Chính phủ cho phép nuôi hổ thí điểm từ năm 2007 và đến nay số hổ này được xem là có nguồn gốc pháp lý rõ ràng.

Đề cập vấn đề an toàn trong thiết kế chuồng trại nuôi hổ của vườn thú trong khu du lịch Đại Nam, ông Nguyên cho rằng nuôi nhốt hổ cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm là việc làm không được khuyến khích, nên cơ quan chức năng không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế chuồng trại, mọi cái do chủ nuôi tự làm và cam kết bảo đảm an toàn.

Chính vì vậy, dù Chính phủ cho phép nuôi thí điểm hổ tại một số nơi nhưng các cơ quan chức năng không hề thẩm định hay phê duyệt thiết kế một chuồng trại nào. Về xử lý trách nhiệm đối với việc để xảy ra sự cố hổ vồ chết người, ông Nguyên nói: “Xử lý thế nào là thẩm quyền của bên công an. Về hành chính thì đây là bài học kinh nghiệm trong việc thí điểm nuôi hổ, phía kiểm lâm sẽ đề nghị các chủ nuôi gia cố chuồng trại cho an toàn hơn, nhất là cho người nuôi”. “Còn về trách nhiệm hành chính, sẽ chế tài ra sao?”. Ông Nguyên trả lời: “Đâu có luật pháp nào quy định, có văn bản pháp luật nào nói tới đâu mà chế tài”!

Nuôi hổ không đơn giản

Trước đây, tháng 6-2007, đoàn công tác Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, Viện Sinh thái và tài nguyên, Tổ chức CITES đã thẩm định nhằm cấp giấy chứng nhận cho ba đơn vị được phép nuôi thí điểm động vật hoang dã ở tỉnh Bình Dương (khu du lịch Đại Nam, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh và Công ty bia Thái Bình Dương, tổng cộng 58 con hổ).

Thời điểm này, đoàn công tác cho biết ba đơn vị đều chưa hoàn toàn đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn. Vẫn có nguy cơ thú nuôi có thể sổng chuồng ra ngoài. Theo đoàn công tác, để nuôi thí điểm về bảo tồn và sinh sản thì ba đơn vị phải lập phương án khoa học về bảo tồn, đồng thời phải được CITES công nhận đủ điều kiện nuôi bảo tồn và sinh sản.

Theo một người có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc thú hoang dã, hàng rào cách ly khu nuôi hổ của khu du lịch Đại Nam quá thấp, trong khi hổ là loài động vật rất nguy hiểm, thậm chí học sinh đi tham quan mà hô hào, kích động chúng cũng có thể hung hãn, tìm mọi cách lao ra ngoài.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Để chăm sóc thú đảm bảo an toàn và phát triển tốt đòi hỏi phải có một quy trình nghiêm túc từ khâu chuồng trại, đến huấn luyện và thiết bị phòng hộ. Điều quan trọng nhất là cần có một đội ngũ nhân viên lành nghề, biết thuần dưỡng hổ và biết phòng tránh gặp nguy hiểm”..
Phải rất cẩn thận với hổ
Theo tiến sĩ Phan Việt Lâm - phó giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, Thảo cầm viên Sài Gòn hiện có ba con hổ Đông Dương nặng 110-130kg, dài 1,4-1,8m. Chuồng hổ có hai bộ phận: chuồng nhốt ép và chuồng dạo chơi. Chuồng dạo chơi của hổ rộng khoảng 2.000m2, chuồng nhốt ép (lồng sắt) khoảng 20-25m2/con. Xung quanh rào chắn của chuồng được cài những nút sứ bố trí xung điện 8.000V với cường độ dòng điện rất thấp. Xung điện làm hổ rất đau nên hổ thường tránh xa hàng rào.
TS Lâm cho biết khi quét dọn hoặc cho hổ ăn, tất cả nhân viên của thảo cầm viên phải quan sát và nhốt hổ vào chuồng ép. Ngay cả những nhân viên đã từng nuôi hổ từ bé cũng không được bước vào chuồng hổ khi chưa đưa hổ vào chuồng ép. Nhân viên chăm sóc thú hoang dã ngoài có trình độ văn hóa nhất định đều phải trải qua khóa tập huấn và hằng năm được tập huấn lại.
Ông Lâm nhấn mạnh: trưng bày thú cho công chúng là rất nguy hiểm, nên không được chủ quan trong vấn đề chuồng trại, tất cả các vườn thú đều phải có phương án phòng tránh thú hoang dã khi sổng chuồng. Ông Lâm còn nói không được tạo tiếng ồn gây hoảng loạn cho hổ, hàng rào có xung điện cũng không thể an toàn tuyệt đối khi con thú thấy mình bị kích động, đe dọa, dồn đuổi...
Nguồn: Tuổi trẻ Online

No comments:

Post a Comment

Leave your comment here, and please check back in 1 or 2 days for a reply. Thank you :)

Click Subscribe by email to be announced when new comments are added :)

Hãy để lại comment và quay lại trong 1 hay 2 ngày để xem trả lời. Cám ơn :)

Hay có thể click Subscribe by email để được thông báo khi có comment mới :)