Saturday, November 8, 2008

Trường Sa và Hoàng Sa


Chủ quyền trên hai quần đảo

Hoàng Sa và Trường Sa



Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc*



Từ Đặng Minh Thu[1]





Nhắc đến Biển Đông, không ai không nghĩ đến hai
cái tên rất đẹp Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếc thay hai cái tên đó lại gắn liền với
những gì đi ngược với thiện, mỹ, hoà, vì hai quần đảo xa xôi này đã và đang là
đối tượng của một cuộc tranh chấp sôi nổi giữa các quốc gia và lãnh thổ trong
vùng. Cuộc tranh chấp đã kéo dài gần một thế kỷ nhưng đến nay vẫn chưa giải
quyết được, và ngày càng trầm trọng hơn, đang là mối đe doạ cho hoà bình ở vùng
Đông Nam Á.



Khi thì bùng nổ, khi thì lắng dịu, cuộc tranh chấp này mang mọi hình
thức đấu tranh, từ đấu tranh chính trị, ngoại giao đến đấu tranh vũ lực. Các
quốc gia tranh chấp cũng thay đổi tuỳ theo thời cuộc. Lúc đầu chỉ có Pháp và
Trung Hoa, tiếp sau đó, Nhật Bản và Philippin cũng nhảy vào đòi quyền lợi. Sau
Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bại trận rút lui khỏi cuộc tranh chấp,
Pháp rời Đông Dương, Trung Hoa thay đổi chính quyền, thì các quốc gia và vùng
lãnh thổ tranh chấp gồm Việt Nam Cộng hoà, Trung Quốc, Đài Loan và Philippin.
Sau khi Việt Nam thống nhất thì cuộc tranh chấp tiếp diễn giữa nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam và ba quốc gia và vùng lãnh thổ kia. Ngày nay, từ khi
“Luật Biển mới” ra đời, tầm quan trọng của 2 quần đảo tăng thêm, thì số quốc gia
tranh chấp cũng tăng theo. Malaixia và Brunây cũng đòi quyền lợi trên quần đảo
Trường Sa. Với Công ước Luật Biển mới, quốc gia nào nắm những quần đảo này không
những được hưởng lãnh hải quanh đảo mà cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
quanh quần đảo. Tuy nhiên, vấn đề phân chia lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa giữa các quốc gia chưa thực hiện được khi chưa biết hai quần đảo
này thuộc về ai. Vì vậy, vấn đề xác định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa càng quan trọng.



Bài viết này sẽ phân tích một số lý lẽ chính mà Việt Nam và Trung
Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền của mình, vì đây là hai quốc gia chính trong
cuộc tranh chấp.



I. DIỄN BIẾN CUỘC TRANH CHẤP



Diễn biến cuộc tranh chấp sẽ được trình bày vắn tắt theo thứ tự thời
gian, qua ba giai đoạn: trước thời Pháp thuộc, trong thời Pháp thuộc, và sau
thời Pháp thuộc.



1. Trước thời Pháp thuộc





· Những
người đánh cá Trung Hoa và Việt Nam sống trên các đảo tuỳ theo mùa nhưng từ
bao giờ thì không thể xác định được.



· Đầu
thế kỷ XVII: Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội
Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các
nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo, và những hoá vật do
lấy được từ những tàu đắm.




· Năm
1753: Có 10 người lính của Đội Bắc Hải đến quần đảo Trường Sa: 8 người xuống
đảo, còn 2 người thì ở lại canh thuyền. Thình lình cơn bão tới và thuyền bị
trôi dạt đến cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Chính quyền Trung Hoa cho điều
tra, và khi biết các sự kiện, đã cho đưa 2 người lính Việt Nam về
.[2]



· Năm
1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo
thuỷ trình.



· Năm
1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội
Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu,
thu thuế dân trên đảo, và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội
này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp nhảy vào Đông Dương.




2. Thời Pháp thuộc





· Năm 1884: Hiệp ước Huế áp đặt chế độ
thuộc địa.



· 9-6-1885:
Hiệp ước Pháp – Thanh Thiên Tân là một hiệp ước hữu nghị, chấm dứt xung đột giữa
Pháp và Trung Hoa.




· 26-6-1887:
Hiệp ước Pháp – Thanh ấn định biên giới giữa Bắc Việt Nam và Trung Hoa.



· 1895
– 1896: Vụ La Bellona và Imeji Maru.



Có hai chiếc tàu La Bellona và Imeji Maru bị đắm
gần Hoàng Sa, một chiếc bị đắm năm 1895, và chiếc kia bị đắm năm 1896. Những
người đánh cá ở Hải Nam bèn thu lượm đồng từ hai chiếc tàu bị đắm. Các công ty
bảo hiểm của hai chiếc tàu này phản đối chính quyền Trung Hoa. Chính quyền Trung
Hoa trả lời là Trung Hoa không chịu trách nhiệm, vì Hoàng Sa không phải là lãnh
thổ của Trung Hoa, và cũng không phải của An Nam
.[3]




· Năm 1899: Toàn quyền Paul Doumer đề
nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng không thành vì tài chính bị thiếu.



· Năm 1909: Tổng đốc Lưỡng Quảng ra
lệnh thám thính quần đảo Hoàng Sa.



· Năm 1920: Mitsui Busan Kaisha xin
phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa. Pháp từ chối.




· Bắt đầu năm 1920: Pháp kiểm soát
quan thuế và tuần tiễu trên đảo.



· 30-3-1921: Tổng đốc Lưỡng Quảng sáp
nhập Hoàng Sa với Hải Nam. Pháp không phản đối.



· Bắt đầu từ năm 1925: Tiến hành những
thí nghiệm khoa học trên đảo do Dr. Krempt, Giám đốc Viện Hải dương học Nha
Trang tổ chức.




· 8-3-1921: Toàn quyền Đông Dương
tuyên bố hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.



· Năm 1927: Tàu De Lanessan viếng thăm
quần đảo Trường Sa.



· Năm 1930: Ba tàu Pháp: La
Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale chiếm quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên
quần đảo này.




· Năm 1931: Trung Hoa ra lệnh khai
thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa, ban quyền khai thác cho Công ty
Anglo-Chinese Development. Pháp phản đối.



· Năm 1932: Pháp chính thức tuyên bố
An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa. Pháp sáp nhập quần đảo Hoàng
Sa với tỉnh Thừa Thiên.



· Năm 1933: Quần đảo Trường Sa được
sáp nhập với tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng đề nghị với Trung Hoa đưa vấn đề ra Toà án
Quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối.




· Năm 1938: Pháp cho đặt bia đá, xây
hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đảo Pattle
(đảo Hoàng Sa) của quần đảo Hoàng Sa.



· Năm 1946: Nhật bại trận phải rút
lui. Pháp trở lại Pattle (An Vĩnh) nhưng vì chiến cuộc ở Việt Nam nên phải rút.



· Năm 1947: Quân của Tưởng Giới Thạch
đổ bộ lên đảo Woody (đảo Phú Lâm) của quần đảo Hoàng Sa. Pháp phản đối và gửi
quân Pháp - Việt trở lại đảo. Hai bên đàm phán tại Paris. Pháp đề nghị đưa ra
Trọng tài quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối.




· Năm 1950: Quân của Tưởng Giới Thạch
rút khỏi đảo Woody.



· Năm 1951: Tại Hội nghị San
Francisco, Nhật tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo, Đại diện chính phủ Bảo Đại là Thủ
tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo mà không
có nước nào lên tiếng phản đối.



3. Sau thời Pháp thuộc






· Năm 1956: Quân đội Pháp rút khỏi
Đông Dương. Đội canh của Pháp trên đảo Pattle được thay thế bởi đội canh của
Việt Nam.



Trung Quốc cho quân chiếm phía Đông của quần đảo
Hoàng Sa, tức nhóm Amphitrite (Nhóm Đông). Trong khi phía Tây, nhóm Crescent
(Lưỡi Liềm), vẫn do quân Việt Nam đóng trên đảo Pattle nắm giữ.



· 1-6-1956: Ngoại trưởng Việt Nam Cộng
hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.




· 22-8-1956: Một đơn vị hải quân của
Việt Nam Cộng hoà cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.



· Năm 1961: Việt Nam Cộng hoà sáp nhập
quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Quảng Nam.



· Năm 1973: Quần đảo Trường Sa được
sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy.




· Năm 1974: Trung Quốc oanh tạc quần
đảo Hoàng Sa và chiếm các đảo do quân Việt Nam Cộng hoà đóng.



· Năm 1975: Quân đội Nhân dân Việt Nam
thay thế quân đội của Việt Nam Cộng hoà tại quần đảo Trường Sa.



· Năm 1977: Việt Nam tuyên bố lãnh
hải, kể cả lãnh hải của các đảo.




· Trong thời gian này, nhiều quốc gia
khác cũng đã chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa.



· Năm 1988: Lần đầu tiên Trung Quốc
gửi quân tới quần đảo Trường Sa. Quân của Trung Quốc đụng độ với Hải quân Việt
Nam. Trên 70 người lính Việt Nam bị mất tích. Trung Quốc đã chặn không cho tàu
mang cờ Chữ Thập Đỏ ra cứu quân Việt Nam.



· Năm 1989: Trung Quốc chiếm thêm một
đảo.




· Năm 1990: Trung Quốc đề nghị khai
thác chung quần đảo Trường Sa.



·
Năm 1992: Trung Quốc chiếm thêm một
số đảo nữa.



· Năm 1994: Đụng độ giữa Việt Nam và
một chiếc tàu Trung Quốc nghiên cứu cho Công ty Crestone.




Hiện nay Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Còn quần
đảo Trường Sa thì do sáu quốc gia và lãnh thổ chiếm giữ là: Việt Nam, Trung
Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaixia và Brunây.





II. PHÂN TÍCH LẬP LUẬN CỦA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC



Lý lẽ mà cả Việt
Nam và Trung Quốc đưa ra là chủ quyền lịch sử, cả hai quốc gia đều khẳng định
mình có chủ quyền từ lâu đời được củng cố và chứng minh bằng lịch sử. Ngoài ra,
Trung Hoa ngày xưa, cũng như Đài Loan ngày nay, và nhiều tác giả thường viện dẫn
Hiệp uớc Pháp – Thanh 1887 để khẳng định hai quần đảo thuộc về Trung Quốc. Vì
Trung Quốc và Đài Loan đã đồng ý nói chung một tiếng nói trong vụ tranh chấp
này, do đó, đây cũng có thể là một lý lẽ của Trung Quốc. Thời kỳ gần đây, từ khi
tranh chấp với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung Quốc đã viện dẫn thêm
một lý lẽ, là những lời tuyên bố trước đây của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phần này sẽ phân tích ba lý lẽ nói trên.


1. Chủ quyền lịch sử



Cả Việt Nam và
Trung Quốc đều nại rằng mình đã khám phá, chiếm hữu và hành xử chủ quyền lâu
đời. Chúng ta thử phân tích lý lẽ chủ quyền lịch sử của mỗi bên có đạt đủ tiêu
chuẩn của luật quốc tế hay không. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu luật quốc tế
chi phối sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ như thế nào.




1.1.
Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ theo luật quốc tế.


Một sự chiếm hữu
lãnh thổ, muốn hợp pháp, phải hội đủ ba điều kiện:


Một là, điều
kiện liên quan đến đối tượng của sự chiếm hữu: lãnh thổ được chiếm hữu phải là
đất vô chủ (res nullius), hoặc là đã bị chủ từ bỏ (res derelicta).


Hai là, tác
giả của sự chiếm hữu phải là một quốc gia. Chiếm hữu phải được thực hiện bởi
chính quyền của quốc gia muốn chiếm hữu hoặc bởi đại diện của chính quyền chiếm
hữu nhân danh quốc gia mình. Tư nhân không có quyền chiếm hữu.



Ba là,
phương pháp chiếm hữu:


Phương pháp chiếm
hữu đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Trước năm 1884, quyền chiếm hữu
do Đức Giáo Hoàng ban cho. Từ thế kỷ VIII đến XV, Đức Giáo Hoàng chia đất giữa
hai quốc gia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đến thế kỷ XVI, khi nhiều quốc gia
khác cũng bắt đầu tham gia vào công cuộc đi tìm đất mới, thì phương cách chia
đất bởi Đức Giáo Hoàng bị chỉ trích, và người ta đặt ra một phương thức mới cho
sự chiếm hữu lãnh thổ, đó là quyền khám phá. Quốc gia nào khám phá ra mảnh đất
đó trước thì được chủ quyền trên đất đó. Khám phá đây có nghĩa là chỉ nhìn thấy
đất thôi, không cần đặt chân lên đất đó, cũng đủ để tạo chủ quyền. Sau này, điều
kiện đó được xem như không đủ, nên người ta đưa thêm một điều kiện nữa, là sự
chiếm hữu tượng trưng. Quốc gia chiếm hữu phải lưu lại trên lãnh thổ một vật gì
tượng trưng cho ý chí muốn chiếm hữu của mình: cờ, bia đá, đóng cọc, hoặc bất cứ
một vật gì tượng trưng cho chủ quyền của quốc gia chiếm hữu. Đến thế kỷ XVIII,
người ta thấy chiếm hữu tượng trưng cũng không đủ để chứng tỏ chủ quyền của một
quốc gia. Vì vậy, đến năm 1885, Định ước Berlin nhằm giải quyết vấn đề chia đất
ở châu Phi, ấn định một tiêu chuẩn mới sát thực hơn cho sự chiếm hữu lãnh thổ.
Đó là sự chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ được chiếm hữu.
Ngoài ra, Định ước Berlin cũng ấn định rằng quốc gia chiếm hữu phải thông báo sự
chiếm hữu của mình cho các quốc gia khác biết. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự và
hành xử chủ quyền sau này đã trở thành tập quán quốc tế và được làm cơ sở cho sự
chiếm hữu lãnh thổ vô chủ trong luật quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, yếu tố thông
báo không phải là một tập quán quốc tế, nó chỉ áp dụng riêng cho trường hợp
chiếm hữu đặt trong phạm vi của Định ước Berlin mà thôi.


Ngày nay theo luật
quốc tế, sự chiếm hữu lãnh thổ phải bao gồm cả hai yếu tố vật chất và tinh thần.
Yếu tố vật chất được thể hiện qua việc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền
trên lãnh thổ đó. Điều này có nghĩa là quốc gia chiếm hữu phải có sự hiện diện
thường trực trên lãnh thổ được chiếm hữu, và phải có những hoạt động hoặc những
hành vi có tính quốc gia đối với lãnh thổ đó. Sự hành xử chủ quyền phải có tính
liên tục. Còn yếu tố tinh thần có nghĩa là quốc gia phải có ý định thực sự chiếm
hữu mảnh đất đó. Phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần trên thì sự chiếm
hữu mới có hiệu lực. Và sự từ bỏ lãnh thổ cũng phải hội đủ cả hai yếu tố: vật
chất, tức là không hành xử chủ quyền trong một thời gian dài, và tinh thần, tức
là có ý muốn từ bỏ mảnh đất đó. Phải hội đủ cả hai yếu tố: từ bỏ vật chất và từ
bỏ tinh thần thì lãnh thổ đó mới được xem như bị từ bỏ, và trở lại quy chế vô
chủ.[4]


Ngoài phương pháp
chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền (occupationeffectivité),
một quốc gia cũng có thể thụ đắc chủ quyền qua những phương pháp khác như chuyển
nhượng (cession), thời hiệu (prescription), củng cố chủ quyền bằng
danh nghĩa lịch sử (consolidation par titre historique),… Phương pháp
“củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử” được áp dụng nếu quốc gia đã sử dụng
lâu đời một lãnh thổ khác mà không có phản đối của một quốc gia nào khác.[5]



Những tiêu chuẩn
trên đã được áp dụng thường xuyên bởi án lệ quốc tế, trong những bản án về tranh
chấp đảo Palmas, đảo Groenland, đảo Minquier và Ecrehous…





1.2.
Chủ quyền lịch sử của Việt Nam


Phải nói rằng, vì
hoàn cảnh chiến tranh, nên tài liệu lịch sử của Việt Nam đã bị tàn phá hoặc thất
lạc rất nhiều. Việt Nam đã đưa ra những tài liệu lịch sử và địa lý đủ để chứng
minh rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo này từ lâu, đã chiếm hữu tượng trưng
cũng như thực sự và hành xử chủ quyền trên hai quần đảo qua nhiều đời vua và
trải qua ít nhất là ba thế kỷ.



1.2.1. Khám phá ít nhất là từ thế kỷ XV, và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII


Dân đánh cá Việt
Nam đã sống trên những đảo này và khai thác đảo từ lâu đời. Tài liệu sớm nhất mà
Việt Nam còn có được là quyển “Tuyển tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của
Đỗ Bá, viết vào thế kỷ XVII. Danh từ “Tuyển tập” cho ta thấy tài liệu này được
thu nhập từ nhiều tài liệu trước nữa. Trong quyển này, Đỗ Bá đã tả những quần
đảo này rất chính xác, và xác nhận rằng Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai
thác quần đảo từ thế kỷ XVII. Đoạn trích do sử gia kiêm nhà Hán học Võ Long Tê
dịch như sau:




“Tại làng Kim Hộ, ở hai bên bờ sông có hai ngọn núi, mỗi ngọn có mỏ vàng do nhà
nước cai quản. Ngoài khơi, một quần đảo với những cồn cát dài, gọi là “Bãi Cát
Vàng”, dài khoảng 400 lý, và rộng 20 lý nhô lên từ dưới đáy biển, đối diện với
bờ biển từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Vào mùa gió nồm Tây Nam, những thương
thuyền từ nhiều quốc gia đi gần bờ biển thường bị đắm dạt vào những đảo này; đến
mùa gió Đông Bắc, những thuyền đi ngoài khơi cũng bị đắm như thế. Tất cả những
người bị đắm trôi dạt vào đảo, đều bị chết đói. Nhiều hàng hoá tích luỹ trên
đảo.



Mỗi năm, vào tháng cuối của mùa đông, Chúa Nguyễn đều cho một hạm đội gồm 18
thuyền đi ra đảo để thu thập những hoá vật, đem về được một số lớn vàng, bạc,
tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm, ra tới đảo mất một ngày rưỡi, nếu đi từ Sa
Kỳ thì chỉ mất nửa ngày.”[6]


Theo sử gia Võ Long
Tê, mặc dù quyển sách của Đỗ Bá được viết vào thế kỷ XVII (vào năm 1686), đoạn
thứ nhất của hai đoạn trên được trích từ phần thứ ba của quyển Hồng Đức Bản
Đồ -
Hồng Đức là tên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497).[7]

Như vậy, Việt Nam đã khám phá hoặc biết tới những đảo này ít ra cũng từ thế kỷ
XV. Danh từ Bãi Cát Vàng chứng tỏ rằng những đảo này đã được những người Việt
Nam ít học nhưng hiểu biết nhiều về biển khám phá và khai thác, từ lâu trước khi
chính quyền Chúa Nguyễn tổ chức khai thác đảo. Dân Việt Nam đã sinh sống ở đó từ
nhiều thế kỷ, và chính quyền nhà Nguyễn từ thế kỷ XVII đã biết tổ chức khai thác
đảo có hệ thống. Những yếu tố này, nhất là sự khai thác của nhà nước từ thế kỷ
XVII qua rất nhiều năm, đã tạo nên từ thời đó một chủ quyền lịch sử cho Việt Nam
trên những đảo này.



1.2.2. Hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVIII: Quyển Phủ biên tạp lục của Lê Quý
Đôn



Lê Quý Đôn là quan
dưới thời nhà Lê, phụ trách vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Ông đã viết Phủ biên
tạp lục
vào năm 1776, tại Quảng Nam, nên đã sử dụng được rất nhiều tài liệu
của chính quyền các Chúa Nguyễn để lại.[8]

Đoạn sau đây nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:


“… Phủ Quảng Ngãi,
ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30
dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu ra biển bốn canh thì đến; phía
ngoài nữa, lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật
của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc
Hải”.[9]


Một đoạn rất dài
khác cũng trong Phủ biên tạp lục nhưng cần phải trích dẫn vì nó cung cấp
nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến cách Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai
quần đảo một cách hệ thống:



… Phủ Quảng Ngãi,
huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều
cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn
kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt.
Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong
suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy
người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có
ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không
như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà;
có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu
ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi
mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái,
muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng
vôi sát quan, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu
với tôm và thịt lợn càng tốt.


Các thuyền ngoại
phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy
người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang
lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì
đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tầu, như là
gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi,
vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo,
đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ
ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất
định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu
biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân
thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi
năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khôi, bát sứ và hai
khẩu súng đồng mà thôi.


Họ Nguyễn lại đặt
đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận,
hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền
sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn
Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào
ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải
vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”.[10]


Đoạn này cho thấy
việc khai thác hai quần đảo của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải kéo dài từ thế kỷ
XVII sang đến cuối thế kỷ XVIII. Hoạt động của hai đội này được tổ chức có hệ
thống, đều đều mỗi năm ra đảo công tác 8 tháng. Các thuỷ thủ do nhà nước tuyển
dụng, hưởng bổng lộc của nhà nước, giấy phép và lệnh ra công tác do nhà nước
cấp.


Các bộ sử như

Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống
chí, Hoàng Việt địa dư chí
, đều có đoạn ghi các Chúa Nguyễn tổ chức khai
thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và cả các đảo khác nữa: Đội Thanh Châu
phụ trách các đảo ngoài khơi Quy Nhơn lấy tổ chim yến, Đội Hải Môn hoạt động ở
các đảo Phú Quý, Đội Hoàng Sa chuyên ra quần đảo Hoàng Sa, sau đó lại tổ chức
Đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa ở phía Nam trong đó có
quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo nằm trong vùng vịnh Thái Lan thuộc
chủ quyền của Việt Nam.[11]


Đặc biệt là bộ
Lịch triều hiến chương loại chí: Dư địa chí
của Phan Huy Chú (1782 – 1840).
Phan Huy Chú và các tác phẩm của ông được Gaspardone nghiên cứu. Bộ sử này viết
vào đầu thế kỷ XIX và gồm 49 quyển nằm ở
École Fransaise d’Extrême Orient
.[12]




1.2.3.
Chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XIX


Chủ quyền được tiếp
tục hành xử qua thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn (là thời đại kế vị chính quyền
các Chúa Nguyễn).


Vị vua đầu tiên của
nhà Nguyễn, Vua Gia Long, đã củng cố thêm quyền lịch sử của Việt Nam bằng cách
chính thức chiếm hữu hai quần đảo. Năm 1816, Vua đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và
hải quân của triều đình ra thăm dò, đo thuỷ lộ, và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa
để biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam. Đoạn sau đây của bộ Việt Nam thực
lục chính biên
chứng minh điều này:


“Năm Bính Tý, năm
thứ 15 đời Vua Gia Long (1816)


Ra lệnh cho lực
lượng hải quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa để thanh tra và khám
xét thuỷ trình.”



Sự chiếm hữu hai
quần đảo theo lệnh của Vua Gia Long cũng được chứng nhận bởi các tài liệu của
phương Tây.


Bài của M.A. Dubois
de Jancigny viết như sau:




“… Từ hơn 34 năm, Quần đảo Paracel, mang tên là Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một
giải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng
hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây
dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định
giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải
đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.[13]


Một bài khác của
Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi nhận điều trên:




“Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ,
một phần của Vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và
quần đảo Paracel gồm những bá đá ngầm, đá nổi không có người ở. Chỉ đến năm 1816
hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy.”[14]



Năm 1833, vua Minh
Mệnh cho đặt bia đá trên quần đảo Hoàng Sa và xây chùa. Vua cũng ra lệnh trồng
cây và cột trên đảo. Bộ Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 104, viết
như sau:


“Tháng tám mùa thu
năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)… Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng
Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông
hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền
mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây
cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi
được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.[15]


Năm sau, Vua Minh
Mệnh ra lệnh cho Đội Hoàng Sa ra đảo lấy kích thước để vẽ bản đồ. Quyển Đại
Nam thực lục chính biên
(1834), quyển thứ 122 ghi nhận điều này:


“Năm Giáp Ngọ, thứ
15, đời Minh Mệnh:



… Vua truyền lệnh
cho Đội trưởng Trương Phúc Sĩ và khoảng trên 20 thuỷ thủ ra quần đảo Hoàng Sa để
vẽ bản đồ…”
.[16]


Đến năm 1835 thì
lệnh xây miếu, dựng bia đá được hoàn tất và được ghi nhận trong quyển Đại Nam
thực lục chính biên
, quyển thứ 154:


“Tháng sáu mùa hạ
năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (1835)… Dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc
Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây
cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4
chữ: “Vạn Lý Ba Bình” (1). Còn Bạch Sa chu vi 1.070 trượng, tên cũ là Phật Tự
Sơn, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc,
giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1
trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái vua toan
dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai
cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và Giám thành cùng phu thuyền hai
tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ
7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày
làm xong, rồi về”
.[17]


Đoạn sau đây của
cùng bộ sách, cho thấy vua nhà Nguyễn không những quan tâm đến việc khai thác
đảo mà còn nhận thức được vị trí chiến lược của hai quần đảo, xem chúng như là
lãnh thổ biên phòng của Việt Nam và tổ chức cả một chương trình dài hạn để củng
cố biên cương đó – theo Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 165:



“Năm Bính Thân,
niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1…


Bộ Công tâu: Cương
giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản
đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm,
nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau,
mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một
chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh
Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng
Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem
xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung
quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị
thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa
biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính
ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh
hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào,
cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.


“Vua y lời tâu,
phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10
cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày
1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân Chánh
đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến
đây lưu dấu để ghi nhớ”
.[18]


Sau đó, hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ trên bản đồ của triều đình Vua Minh Mệnh.
Những đoạn trên đây cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã tiếp tục được
hành xử bởi các vua nhà Nguyễn. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải được trao thêm nhiều
nhiệm vụ: tuần tiễu, đi lấy kích thước đảo để vẽ bản đồ, thăm dò địa hải, vẽ
thuỷ trình,… Những Đội này cũng có nhiệm vụ thu thuế những người tạm sống trên
đảo[19]
.


Hai đội Hoàng Sa và
Bắc Hải hoạt động cho đến khi Pháp xâm lược Việt Nam. Ít nhất từ thế kỷ XVII (và
có thể từ thế kỷ XV hoặc trước nữa), từ thời Chúa Nguyễn, trải qua các triều đại
vua nhà Nguyễn, trong 3 thế kỷ, hai đội này đã có nhiều hoạt động khai thác,
quản trị và biên phòng đối với hai quần đảo. Đây là những hoạt động của nhà
nước, do nhà nước tổ chức. Những hoạt động này kéo dài suốt 300 năm không có một
lời phản đối của Trung Hoa thời đó. Nhà Nguyễn cũng ý thức được trách nhiệm quốc
tế của mình từ thời đó và cho trồng cây trên đảo để các thuyền bè khỏi bị đắm và
mắc cạn. Rõ ràng đây là những sự hành xử chủ quyền của một quốc gia trên lãnh
thổ của mình.



Như vậy, chủ quyền
của Việt Nam được thụ đắc qua hai phương pháp phối hợp nhau: (1) quyền lịch sử
bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ dưới thời các
Chúa Nguyễn, thế kỷ XVII và XVIII (consolidation par titre historique),
và (2) chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền một
cách liên tục dưới thời các vua nhà Nguyễn, thế kỷ XIX (prise de possession,
occupation et effectivité
). Thực ra việc thụ đắc bằng phương pháp (1) cũng
đã đủ để tạo chủ quyền cho Việt Nam, và như vậy, Việt Nam đã có chủ quyền lịch
sử từ thế kỷ XVII. Quyền này lại được củng cố thêm khi các vua nhà Nguyễn chính
thức chiếm hữu đảo. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không hiện diện thường xuyên trên
đảo vì điều kiện sinh sống ở các đảo không cho phép. Tuy nhiên, lệ án quốc tế đã
mềm dẻo đối với những nơi này luật không bắt buộc phải có một sự hiện diện
thường xuyên của quốc gia chiếm hữu. Trong vụ án Clipperton, Pháp chỉ cho tàu
chiến thanh tra đảo, mà không đặt một cơ quan công quyền nào hiện diện thường
xuyên tại đảo. Trọng tài Quốc tế đã cho rằng như vậy cũng đủ để hành xử chủ
quyền, vì điều kiện ở đảo không cho phép sống thường xuyên trên đó.[20]
Trong trường hợp Việt Nam, mặc dù không ở lại đảo thường xuyên, hai Đội Hoàng Sa
và Bắc Hải cũng sống ở đó 8 tháng mỗi năm đến khi gió nồm bắt đầu thổi, tức là
mùa bão biển tới, họ mới trở về đất liền 4 tháng, và đến tháng giêng lại trở ra
các đảo đóng ỏ đó 8 tháng và hàng năm đều như vậy. Với hoàn cảnh thời đó, thuyền
của các quốc gia khác, kể cả thuyển của Trung Hoa đều sợ không dám đến đảo,
trong khi Việt Nam cho quân đến đóng ở các đảo 8 tháng mỗi năm. Như vậy, đã vượt
tiêu chuẩn ấn định bởi vụ án Clipperton, và quá đủ để xem như Việt Nam đã chiếm
hữu hai quần đảo từ thời các Chúa Nguyễn (thế kỷ XVII).





1.2.4. Trung Quốc nói rằng những đảo trong bản đồ của Việt Nam (Đại Nam nhất
thống toàn đồ), không phải là Xisha (đảo Cồn cát Tây) và Nansha (đảo Cồn cát
Nam) của Trung Quốc vì bản đồ cho thấy những đảo gần bờ biển quá.
[21]




Phải nói rằng kỹ
thuật đo lường, kỹ thuật vẽ bản đồ, ý niệm về khoảng cách và thời gian ngày xưa
không phải như ngày nay. Chính những tác giả Trung Quốc đã khẳng định điều đó
.[22]
Vấn đề xác định những đảo tranh chấp không phải là mới mẻ, vì nó đã được đặt ra
trong nhiều bản án.[23]

Vấn đề này cũng được đặt ra đối với lập luận của Trung Quốc ở mục 1.3. của bài
này. Dù sao, trong trường hợp Việt Nam, chỉ cần nhìn bản đồ cũng thấy rằng không
có sự nhầm lẫn giữa Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo ở ven biển, khi bản đồ được
vẽ, vì những đảo ven bở biển như đảo Ré cũng đều được vẽ trên bản đồ, những đảo
này đã được vẽ sát dọc theo bờ biển. Mà trên thực tế, giữa những đảo ven bờ biển
và Hoàng Sa, Trường Sa, không có đảo hoặc quần đảo nào khác. Từ đó, chúng ta có
thể kết luận rằng những quần đảo mà bản đồ Việt Nam ghi là Hoàng Sa và Vạn Lý
Trường Sa chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Phương pháp suy diễn này đã được áp
dụng trong bản án Palmas. Người vẽ bản đồ chỉ không có ý niệm xác thực về khoảng
cách không gian và tỷ lệ phải áp dụng khi chuyển nó lên mặt giấy để vẽ bản đồ,
nên vẽ khoảng cách ngắn hơn thực tế.


Ngay cả khoảng cách
giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa cũng bị rút ngắn lại, khiến cho
thoạt nhìn, người ta có thể tưởng rằng đây chỉ là một quần đảo. Tuy nhiên, nhiều
điều rút từ những ghi chép trong sách sử Việt Nam, và từ những bản đồ thời đó,
đã chứng minh đó không phải chỉ là một quần đảo Hoàng Sa:



(1) Trên bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ có ghi tên hai đảo rõ rệt
vẽ bằng chữ nho: Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.




(2) Các sách sử địa của Việt Nam có nói đến 130 đảo. Con số này không phù hợp
với số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, hoặc quần đảo Trường Sa tính riêng. Nhưng
nếu cộng số đảo của hai quần đảo lại thì con số vừa đúng là 130.[24]












Bản đồ 4

Hoàng Sa










Bản đồ 6

Atlas of the world






Bản đồ 7









(3) Nếu so sánh bản Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1), bản đồ
phóng đại của quần đảo này trích từ Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ
2), bản đồ The Times Atlas of the World (ghi tắt là Atlas, Bản đồ 3 và
6), bản đồ phóng to hiện thời của dãy Hoàng Sa (Bản đồ 4), và bản đồ của dãy
Trường Sa (Bản đồ 7), thì sẽ thấy như sau:





· Hình dạng của dãy quần đảo trên Bản đồ 1 không phù hợp với hình
dạng của quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Hình dạng của quần đảo của Hoàng Sa là
theo hình vòng tròn, nó gồm hai cụm đảo chính là cụm Crescent hình dạng đúng như
cái tên của nó, tức là các đảo nằm cụm vào nhau theo hình lưỡi liềm. Phía sau
cụm Crescent (Lưỡi Liềm) là cụm Amphitrite (An Vĩnh), xếp theo hình vòng cung.
Ngoài ra có vài đảo rải rác quanh đó, nằm theo hình vòng tròn vây quanh hai cụm
đảo chính, chứ không phải hình dài (xem Bản đồ 3 và 4). Trong khi đó, nếu nhìn
vào Bản đồ 2, ta sẽ thấy một quần đảo theo hình chuỗi trải dài xuống và bị thóp
lại ở giữa, hoàn toàn không phải là hình cụm như quần đảo Hoàng Sa. Phần trên
của chuỗi này, được xếp theo cụm giống như Hoàng Sa (xem đoạn từ A tới B trên
bản đồ, do tác giả kẻ cho dễ thấy). Nhưng nửa dưới của chuỗi đảo mang một hình
dạng xuôi dài xuống (đoạn kẻ từ B tới C), không giống một phần nào của quần đảo
Hoàng Sa như ta thấy trên Bản đồ 3 hoặc Bản đồ 4. Phần này chắc chắn không phải
là Hoàng Sa. Theo Bản đồ 6 thì giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa
không có một quần đảo nào khác cả, mà quần đảo hình chuỗi dài xuống thì lại càng
không có. Như vậy phần dưới của chuỗi đảo được vẽ trên Bản đồ 2 không thể là
quần đảo nào khác hơn là Trường Sa.




Mỗi phần
lại có một tên riêng viết bằng chữ nho: “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa”. Điều
này chứng minh Đại Nam nhất thống toàn đồ phân biệt rõ ràng hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa.



· Bản
Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1) cho thấy chuỗi
đảo kéo dài suốt từ Quảng Nam đến tận Cam Ranh, đảo thấp nhất trên bản đồ nằm
ngoài khơi Cam Ranh và Khánh Hoà. Trong khi đó quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ Atlas nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, đảo thấp nhất của nó theo hướng tây nam
là đảo Triton (đảo Tri Tôn) nằm song song với tỉnh Quảng Nam. Trên Bản đồ 2, đảo
thấp nhất phía tây của cụm đảo A-B nằm ngang với cửa Đại Cát (trong sách của Đỗ
Bá gọi là Đại Chiêm), mà Đại Cát vị trí ngang với Quảng Nam. Như vậy, đảo nói
trên là đảo Triton (gạch chữ X trên Bản đồ 2, do tác giả ghi). Và như thế thì
làm sao cắt nghĩa được đoạn dưới của chuỗi đảo trên Đại Nam nhất thống toàn
đồ
, là đoạn bắt đầu từ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi trên bản đồ Atlas) đến
vịnh Cam Ranh? Đảo Hoàng Sa không kéo dài xuống tới Khánh Hoà hoặc vịnh Cam
Ranh. Nếu nhìn vảo bản đồ Atlas, ta sẽ thấy song song với tỉnh Phan Rang,
gần vịnh Cam Ranh (xem Bản đồ 6), là đảo Thitu (đảo Thị Tứ) của dãy Trường Sa:
Northeast Cay (đảo Song Tử Đông), Southeast Cay (đảo Song Tử Tây), South Reef
(đá Nam), và West York Island (đảo Dừa), đều nằm ngoài khơi, ngang với khoảng
cách từ Khánh Hoà tới Cam Ranh (xem Bản đồ 7).




· Nhìn vào bản đồ của
Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1),
có thể có 4 giả thuyết:



a) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không biết đến Trường Sa và các tác giả chỉ vẽ
Hoàng Sa mà thôi.




b) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã hoạt động ở cả quần đảo Hoàng Sa và toàn thể
quần đảo Trường Sa, và tác giả của bản đồ muốn vẽ cả hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, nhưng vì kỹ thuật kém, nên toàn khối Trường Sa gần với Hoàng Sa hơn
ngoài thực tế.



c) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải chỉ hoạt động và thám thính các đảo phía bắc của
dãy Trường Sa, tức Northeast Cay, Southeast Cay, South Reef và Thitu; và người
vẽ bản đồ, vì kỹ thuật kém nên vẽ các đảo đó gần với quần đảo Hoàng Sa.



d) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã hoạt động ở những đảo nói trên của quần đảo
Trường Sa và cả dãy đảo phía dưới các đảo này tức Xubi Reef (đá Subi), Loaita
Island (đảo Loai Ta), Itu Aba Island (đảo Ba Bình), Great Discovery Reef (đá
Lớn), Spratly Island (đảo Trường Sa), … nhưng vì kỹ thuật kém, nên vẽ dãy đảo này
gần với quần đảo Hoàng Sa.




Dựa vào những dữ
kiện vừa nêu, thì giả thuyết thứ nhất (a) đáng loại bỏ trước tiên, vì số đảo,
hình dạng của quần đảo Hoàng Sa, địa điểm của nó so với những tỉnh trong đất
liền, tất cả những chi tiết này như được vẽ trên Bản đồ 1 và 2 không ăn khớp với
thực tế trên Bản đồ 3 và 4. Chúng ta cũng không nghĩ rằng tác giả bản Đại Nam
nhất thống toàn đồ
có thể vì kỹ thuật kém nên kéo dài Hoàng Sa xuống tận Cam
Ranh. Vì Đại Nam thư lục chính biên, quyển 165, có nói rõ một trong những
mục đích của những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa và Bắc Hải là gạch lộ trình
để ra mỗi đảo, và ấn định rõ vị trí của mỗi đảo so với mỗi tỉnh ngang với nó
trong đất liền. “Phải ấn định rõ cửa khẩu nào đưa ra mỗi đảo. Mỗi lộ
trình phải được ước lượng bằng “dặm”
.[25]
Như vậy, tác giả của bản đồ này không thể nào nhầm lẫn mà ấn định đảo cuối của
dãy Hoàng Sa nằm ngang với Cam Ranh. Giả thuyết thứ ba (c) không giải thích được
hình dạng của chuỗi đảo trên bản đồ 1. Giả thuyết thứ hai (b) và thứ tư (d) có
lẽ sát sự thực vì nó giải thích được hình dạng của chuỗi đảo trên Bản đồ 1, vị
trí của đảo ngang với vùng Khánh Hoà, Cam Ranh. Hình chuỗi nằm xuôi dài xuống
của các đảo ở đoạn CD, khiến chúng ta nghiêng về giả thuyết thứ tư (d) hơn. Tuy
nhiên, giả thuyết thứ ba (c) cũng có thể áp dụng được nếu cho rằng Đội Hoàng Sa
và Bắc Hải đã biết toàn thể hoặc đa số các đảo trên dãy Trường Sa, nhưng khi đưa
lên bản đồ chỉ vẽ được một số đảo ở phía Tây mà thôi. Như vậy, sẽ ăn khớp với số
đảo là 130 đã được ghi trong những sách sử nói trên. Vả lại, Đại Nam thực lục
chính biên
cũng có nói trong tờ trình của Bộ Công, là quần đảo rất rộng nên
chỉ vẽ được một số đảo giới hạn. Tờ trình cũng công nhận là bản đồ vẽ không được
chính xác.



“Quần đảo Hoàng Sa,
biên giới biển của nước ta, là một địa điểm chiến lược rất quan trọng… Những
đoàn công tác đã được phái đi để lấy kích thước vẽ bản đồ, nhưng vì quần đảo
quá rộng
, nên chỉ mới vẽ được một đảo trên bản đồ, mà cũng không được
chính xác và chi tiết
như mong muốn…”. Vì vậy, tờ trình của Bộ Công đã đề
nghị Vua cho công tác ra các đảo mỗi năm: “Ta nên gửi đoàn công tác ra mỗi năm
để thám sát toàn diện quần đảo…”.[26]


Bản đồ vẽ quần đảo
Trường Sa gần với quần đảo Hoàng Sa hơn trong thực tế chỉ vì kỹ thuật thời đó
còn kém, không biết tỷ lệ đưa lên giấy. Bản đồ của Trung Hoa và của phương Tây
thời đó cũng mang khuyết điểm này. Hơn nữa, vị trí của hai quần đảo nằm trên
cùng một kinh tuyến 111°;[27]

quần đảo Trường Sa nằm hơi nhích sang phía đông nam, nên trên thực tế cũng không
xa nhau lắm, và vì thời đó người ta không có được ý niệm chính xác về kích thước
và tỷ lệ phải tuân theo khi vẽ bản đồ, thì có khuynh hướng vẽ hai quần đảo gần
nhau hơn thực tế, cũng dễ hiểu. Dù sao, giả thuyết thứ hai (b), thứ ba (c) hoặc
thứ tư (d) cũng đều chứng minh được Việt Nam ít ra cũng có hành xử chủ quyền
trên quần đảo Trường Sa.


Những bản đồ của
phương Tây thời xưa cũng không phân biệt được quần đảo Hoàng Sa và quần đảo
Trường Sa nên đã vẽ cả hai thành một khối gọi là Hoàng Sa. Thí dụ, bản đồ của
anh em Van Langren, 1595, bản đồ Les établissement et point de penetration
européen en Extrême Orient au 18è siècle
(Bản đồ 8 và 9).




Bản đồ 8





Bản đồ 9





Bản đồ 10

Đại Việt đời Hồng Đức

(Bản vẽ lại cho dễ đọc các địa danh)






Bản đồ 11

Đại Việt Quốc Tổng Lãm Đồ (Lê Trung Hưng)









Trước thời Minh
Mạng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được xem như một quần đảo, nên gọi
hai quần đảo là Hoàng Sa, có khi gọi là Vạn Lý Trường Sa. Nhưng sau khi các đoàn
công tác được Vua Minh Mạng ra lệnh lấy kích thước và thám sát cả hai quần đảo,
thì bản đồ được vẽ sau đó (tức bản Đại Nam nhất thống toàn đồ), mới ghi
rõ ràng hai tên khác nhau cho hai quần đảo. Nếu trên Bản đồ 2, chúng ta lấy bút
khoanh cụm đảo ở đoạn A-B lại, và cũng khoanh chuỗi đảo ở đoạn B-C lại, thì ta
sẽ thấy hai quần đảo riêng rẽ, với hai cái tên riêng rẽ (xem Bản đồ 5).


Do đó, ta có thể
kết luận rằng Việt Nam đã hành xử chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Vì vậy mới có sự hiện diện của Đội Bắc Hải được cử đi khai thác và
quản lý những đảo Trường Sa, Côn Lôn, vùng Hà Tiên,… (thể theo quyển Phủ Biên
tạp lục, quyển 2). Người ta có thể thắc mắc tại sao Đội Bắc Hải đảm trách Trường
Sa, Côn Lôn, Hà Tiên, là những vùng phía Nam, mà lại gọi là Bắc Hải. Sử gia Võ
Long Tê có giải thích rằng Bắc Hải theo nghĩa chữ nho cũng có thể là “xa xôi”.
Như vậy “Bắc Hải” có thể hiểu là vùng biển xa xăm.[28]

Nghĩa thứ hai mà ta có thể giải thích là Đội Bắc Hải kiêm trách cả vùng biển
miền Bắc lẫn những đảo ở phía Nam. Vì quyển Phủ Biên tạp lục có ghi rằng
Đội Bắc Hải hoạt động ở “… vùng Biển Bắc, những đảo Côn Lôn, Cù Lao, vùng Hà
Tiên và Cồn Tự…”.[29]


Nếu theo giả thuyết trên thì ta phải hiểu là hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải bổ túc
cho nhau chứ không có sự phân chia vùng hoạt động giữa hai Đội. Theo như ghi
chép trong Phủ Biên tạp lục thì sự phân chia giữa hai Đội là ở sản vật
được khai thác: Đội Bắc Hải gần như chỉ thu thập các hải sản, còn Đội Hoàng Sa
thu thập cả các hoá vật, vàng, bạc,… do tàu đắm để lại.


Thêm một nhận xét
nữa là: Trường Sa nằm ở gần đảo Côn Lôn nên không lẽ thời đó, Đội Bắc Hải hoặc
dân đánh cá Việt Nam từ trước nữa đã khám phá và khai thác đảo Côn Lôn mà lại
không hề biết đến đảo Trường Sa. Nhất là tàu thuyền của Việt Nam thời đó là một
lực lượng hùng mạnh khiến nhiều nhà thám hiểm phương Tây phải xác nhận điều đó.
Thí dụ, ông Gentil de la Barbinais đã viết trong quyển Nouveau voyage autour
du monde
(xuất bản vào năm 1738) như sau: “Quoique jusqu’ici les
Cochinchinois, aient attaqué ou se soient défendus par terre, les emplois de
I’armée navale sont plus recherchés, comme étant les plus honorifiques. Le Roi
de Cochinchine entretient 150 galères. À la dernière revue des galères, qui se
fit en 1678, il y avait 131 galères…”[30]

(Có thể dịch là: “Mặc dù dân Việt Nam đến bây giờ vẫn tấn công hoặc phòng thủ
trên đất liền, việc sử dụng lực lượng hải quân của họ tinh vi hơn, và có thể nói
là xuất sắc nhất. Vua Việt Nam có 150 chiến thuyền. Nhân cuộc biểu trương chiến
thuyền gần nhất, được tổ chức vào năm 1678, có tới 131 chiến thuyền…”).





1.3.

Chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi Trung Quốc


Trung Quốc cũng viện
dẫn quyền khám phá và sự hành xử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa.



1.3.1.
Quyền khám phá


Trung Quốc đã khẳng
định rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo tranh chấp từ đời nhà Hán, năm 206
trước Công nguyên. Tuy nhiên, có tác giả Trung Hoa lại xác định là những tài
liệu sớm nhất ghi chép sinh hoạt của người Trung Hoa trên những đảo này, thuộc
đời nhà Tống (thế kỷ XIII).[31]


Trung Quốc đã viện
dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do
Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang
Biển Đông mà thôi. Ngoài ra, các đoạn được viện dẫn trước thế kỷ XIII cũng không
nói đến đảo nào, mà chỉ nói đến biển Nam Hải. Những đoạn sách viết từ thế kỷ
XIII mới bắt đầu nêu tên đảo, nhưng không có đoạn nào nói tới Xisha và Nansha.
Nhiều điểm từ những đoạn được nêu ra, còn cho thấy rõ ràng Wanlishitang (Vạn Lý
Thạch Sành) mà Trung Quốc nói là Nansha thực tế không phải là Nansha mà là đảo
khác.




a) Sách sử trước thế kỷ XIII






· Quyển Dị vật chí thời Hán (Yi Wu Zhi), viết như sau:[32]


“Có những đảo nhỏ,
cồn cát, đá ngầm, và băng cát tại Nam Hải, nơi đó nước cạn và đầy đá nam châm…”.
Những câu tả này rất mơ hồ, chỉ viết “có những đảo nhỏ”, mà không nói rõ đảo
nào.



· Quyển Zuo Zhuan viết từ thời Xuân Thu, ghi như sau:[33]




“Triều
đại vẻ vang của nhà Chu trấn an dân man di để viễn chinh vùng Nam Hải (đảo) để
làm sở hữu của Trung Hoa…”


Chữ “đảo” là do tác
giả Jian-Ming Shen thêm vào trong dấu ngoặc để ám chỉ rằng “Nam Hải” có nghĩa là
“những đảo ở vùng Nam Hải”. Bản văn bằng tiếng Trung Hoa chỉ ghi “Nam Hải” chứ
không phải “NamHaidao”.





b) Sách sử từ thế kỷ XIII





· Quyển
Chư Phiên Chí (thế kỷ XIII) có ghi rằng: “Phía Đông
Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường, và ngoài nữa là đại dương
vô tận…”[34]




· Quyển
Hải Lục (On the Sea), tác giả Hoàng Chung, xuất bản
đời Minh, ghi rằng: “Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường…”.[35]



· Ngay cả những tài liệu sử thế kỷ XIX của Trung Hoa, đồng thời với
sự chiếm hữu và hành xử chủ quyền của các vua nhà Nguyễn tại Việt Nam, cũng chỉ
tả những đảo này như những gì tình cờ thấy, nằm trên lộ trình xuyên Biển Đông
của các thuyền Trung Hoa. Hơn thế nữa, có tài liệu còn mặc nhiên công nhận sự
liên hệ của các quần đảo đối với Việt Nam, nếu không muốn nói rằng nó công nhận
những quần đảo này là biên phòng của An Nam. Thí dụ quyển Hải Lục của
Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết:




“Lộ
trình phía ngoài được nối liền với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm
giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức màn phòng
thủ phía ngoài của An Nam”
.[36]



Từ đó, ta có những
nhận xét sau đây về những chứng cớ lịch sử về quyền khám phá của Trung Quốc:


Không có một quyển
sách sử nào nói đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có
một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này.[37]

Những sách sử địa của Trung Quốc nhắc đến rất nhiều tên, nào là Qianli Chang
sha, Wanlishitang, Quianlishitang, Jiuruluozhou, Qizhouyang, Zizhousan. Và bây
giờ Trung Quốc nói rằng tất cả những tên đó đều ám chỉ Xisha và Nansha. Vì vậy,
muốn xét đến những chứng cớ lịch sử này, thiết tưởng cần phải có những chuyên
viên để nghiên cứu tại chỗ và khẳng định các tên này có đúng là Xisha và Nansha
mà Trung Quốc nói tới hay không.





1.3.2 Hành xử chủ quyền


Những dữ kiện mà
Trung Quốc và các tác giả Trung Hoa đưa ra để chứng minh mình hành xử chủ quyền
trên hai quần đảo gồm có: những cuộc thanh tra, những cuộc viễn chinh, và những
di vật đào bới được từ các đảo.


Thanh tra và viễn
chinh


Phần lớn những bài
viết về thanh tra và viễn chinh là sự khẳng định nhưng không có đoạn sử nào được
viện dẫn để chứng minh điều này.


*Trước nhà Nguyên


Đoạn sau đây được
trích, không phải từ sách sử nào cả, mà từ kết luận của một viên chức chính
quyền Trung Quốc, giáo sư Wang Hengjie thuộc Trung tâm chuyên về các sắc tộc
thiểu số, vào năm 1991, dựa trên những di tích được đào bới trên đảo Xisha để
kết luận rằng nhà Chu đã có những cuộc viễn chinh trên quần đảo này:




“Chính
quyền nhà Chu thuộc thời Xuân Thu không những chinh phục những “dân man rợ” ở
phía Nam, mà cũng tổ chức những cuộc viễn chinh trên những đảo của biển Nam Hải
để chiếm làm đất Trung Hoa…”.[38]


Đây chỉ là một kết
luận của một viên chức nhà nước vào năm 1991, chứ không phải từ sách sử khách
quan. Nếu đã có những cuộc viễn chinh, và những hoạt động khác thì tại sao lại
không được ghi trong sách sử của Trung Hoa – tương đương với những ghi chú trong
sách sử của Việt Nam? Trung Hoa vẫn tự hào là xứ văn minh và các dân tộc khác là
“man di” mà tại sao không biết ghi những hoạt động của nhà nước vào sách sử của
mình, nếu những hoạt động đó có thực?


Tác giả Shen viết
rằng trong quyển Hậu Hán thư có ghi: Chen Mao được bổ nhiệm làm quan Thái
thú ở tỉnh Giao Chỉ (Jiaozchi) đã có những cuộc tuần tiễu và “thám thính trên
(các đảo của) biển Nam Hải”. Và ông ta đã ghi trong dấu ngoặc chữ viết bằng
tiếng Trung là “xing bu Zhanghai
.[39]



Đoạn này cho thấy
không có chỗ nào nói đến Xisha và Nansha cả. Hơn nữa, chữ “đảo” là do tác giả
thêm vào trong dấu ngoặc, chứ bản viết tiếng Trung mà ông ta chêm trong ngoặc
kép (xing bu Zhanghai) không có chữ “đảo”, mà chỉ là thám thính Zhanghai, tức là
Nam Hải, mà thôi.


Tác giả Shen cũng
viết rằng quyển Nam châu dị vật chí (Nanzhou Yiwu Zhi) kể những thuỷ thủ
nhà Hán đi viễn chinh từ bán đảo Malaixia trở về Trung Hoa. Rồi ông trích câu
trong Nam châu dị vật chí: “đi thuyền về phía Đông Bắc, người ta gặp rất nhiều
đảo nhỏ, đá ngầm, bãi cát ngầm, trở nên rõ rệt tại biển Nam Hải, nơi đây nước
cạn và có nhiều đá nam châm”
.[40]
Như vậy, trong Nam Châu dị vật chí không có chỗ nào nói đến viễn chinh
trên đảo Xisha và Nansha, hoặc tuần hành quanh đảo này, mà chỉ nói chung chung
là họ đi thuyền qua Biển Đông mà thôi, hoặc viễn chinh tại các vùng như Malaxia,
Bornéo.


Chỗ khác, tác giả
Shen viết là chính quyền địa phương dưới triều đại nhà Tấn đã hành xử chủ quyền
trên đảo Xisha và Nansha bằng cách gửi tàu đi tuần tiễu trên vùng biển quanh đó.
Để chứng minh điều này, tác giả viện dẫn quyển Quảng Đông tổng chí

(General Record of Quangdong) do Hao Yu-lin viết, có ghi là quan phụ trách những
vấn đề biển Nam Hải thời đó, có đi tuần tiễu và thám thính tại biển Nam Hải
(xing bu ru hai).[41]

Ở đây cũng như trên, tác giả Shen không trích thẳng đoạn nào trong quyển
Quảng Đông tổng chí
ghi lại sự kiện trên, nên chúng ta không biết chính thức
đoạn đó viết như thế nào.


Chỉ 4 chữ tiếng Trung
được ghi trong dấu ngoặc là “xing bu ru hai”. Nếu đây là nguyên văn trong sách
sử, thì nó chỉ nói đến thám thính trên biển Nam Hải (nếu thật tình là biển Nam
Hải, vì chúng ta không biết đây có phải là biển Nam Hải không hay là biển khác).


Dù sự kiện đi tuần
tiễu thám thính có thật đi chăng nữa thì nó chỉ tổng quát tại biển mà Trung Quốc
nói là biển Nam Hải, chứ không nói là tuần tiễu quanh hai đảo Xisha và Nansha.
Mà nếu sự thật là biển Nam Hải, thì nó rộng mênh mông làm sao mà biết được họ có
tuần tiễu quanh hai quần đảo Xisha và Nansha hay không. Và nếu có, có phải là
tuần tiễu để thanh tra đảo với tư cách là chủ của đảo hay chỉ là tuần tiễu vùng
biển nói chung? Nguyên văn quyển sách mà tác giả Shen nói có thực sự viết đó là
những cuộc tuần tiễu hay chỉ là đi thuyền ngang qua đó mà thôi?


Chỗ khác, tác giả
Shen khẳng định là hai đảo được đặt dưới quyền quản trị của huyện Qiongzhou (là
Hải Nam bây giờ), nhưng không viện dẫn chứng cớ lịch sử nào cả, mà footnote

chỉ ghi là tài liệu của một cơ quan chính quyền của Trung Quốc năm 1992.[42]

Vả lại, nếu Trung Hoa thời đó có sáp nhập hai quần đảo và đảo Hải Nam đi nữa,
thì sự sáp nhập không cũng không đủ để tạo nên chủ quyền theo tiêu chuẩn của
luật quốc tế.


Trung Quốc cũng cho
rằng những di vật tìm thấy trên các đảo chứng minh rằng dân Trung Hoa đã sống ở
đó. Những di tích lịch sử đào được trên đảo Xisha như bình, đồ gốm, và các di
vật khác từ những năm 420 cho đến thời nhà Thanh, cho thấy từ thế kỷ thứ V, dân
Trung Hoa đã sinh sống làm ăn trên các đảo vùng biển Nam Hải.[43]

Từ đó Trung Quốc lập luận rằng vì dân Trung Quốc sinh sống ở đó, nên Trung Quốc
có chủ quyền.


Tuy nhiên, luật quốc
tế không chấp nhận chủ quyền trên một lãnh thổ được thụ đắc vì có dân sống trên
đảo. Trên đảo có rất nhiều loại dân sinh sống tuỳ theo mùa, kể cả dân Việt Nam
chứ không phải chỉ có dân Trung Hoa và tư nhân không có quyền chiếm hữu lãnh
thổ.





* Từ thời nhà Nguyên đến nay


Trung Quốc viện dẫn rằng Trung
Quốc gửi một nhà chiêm tinh học đến đảo để tham quan và lấy kích thước đảo
.[44]






- Những cuộc viễn chinh được viện dẫn cho thời kỳ này thực ra là viễn chinh
đến những vùng khác như vùng Java chứ không phải tại Xisha hoặc Nansha.




- Đoạn được viện dẫn để chứng minh cho những cuộc tuần tiễu và viễn chinh
trên đảo Xisha và Nansha, trích từ quyển Nguyên Sử (Yuan Shi) như sau:



“…
thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và
Zhangcheng (Quy Nhơn),… họ đổ bộ lên những đảo như Hundun Dayang, đảo Ganlan,
Jialimada, và Julan, họ đóng ở đó và chặt cây để làm những thuyền nhỏ…”



Tác giả giải thích
Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha, còn Jialimada là Bornéo hiện nay[45]
.
Tuy nhiên, điểm này mâu thuẫn với đoạn trích trong quyển Hải Lục:



“Vạn Lý Trường Sa nằm
ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường”.[46]


Dựa vào câu trích dẫn
trên trong quyển Hải Lục, nếu chấp nhận hai cái tên này ám chỉ Nansha và Xisha,
thì Vạn Lý Trường Sa phải là Nansha, còn Vạn Lý Thạch Đường phải là Xisha. Thế
nhưng, quyển Nguyên Sử nói trên thì lại được diễn giải Vạn Lý Thạch Đường
(Wanlishitang) tức là Nansha, và Qizhou Yang tức là Xisha. Rút cuộc người đọc
không biết đâu là Nansha, đâu là Xisha nữa. Nếu ráp hai câu trích dẫn trên với
câu trong quyển Chu Phan Chí đã được nêu ở đoạn trên: “Phía Đông Hải Nam là
Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường”, thì Vạn Lý Thạch Đường có thể là
Macclesfield Bank. Tác giả Marwyn Samuels cũng khẳng định như vậy (xem sách của
Marwyn Samuels, tr. 18 và 19, Reference Note 31).


Một điểm khác có thể
chứng minh Wanlishitang thực ra là Macclesfield Bank là câu trích trên của quyển
Nguyên Sử: “… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi
(Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),…”. Nếu theo thứ tự trước sau trong lộ trình
thì Wanlishitang không thể là Nansha, mà là Macclesfield Bank vì thuyền không
thể đi ngang Nansha trước khi đi ngang qua Giao Chỉ được. Hơn nữa, đoạn này cho
thấy thuyền chỉ đi qua Quizhou Yang và Wanlishitang, chứ không có chỗ nào nói là
tuần tiễu trên hai đảo Xisha và Nansha (nếu chấp nhận Qizhou Yang và
Wanlishitang là Xisha và Nansha).[47]


Một đoạn khác được
viện dẫn từ quyển Đảo Di Chí Lược (Abridged Records of Islands and
Barbarians) của Wang DaYuan mà tác giả giới thiệu là một nhà hàng hải nổi tiếng
thời Nguyên:




“Gốc của
Shitang bắt nguồn từ Chaozhou. Nó ngoằn ngoèo như một con rắn dài nằm trên biển,
vắt ngang biển tới gần nhiều nước; nó được gọi theo lối bình dân là:
Wanlishitang. Theo sự ước đoán của tôi, nó dưới 10.000 lý… Ta có thể nhận định
được những nhánh của nó. Một nhánh vươn tới vùng Java, một nhánh Boni và
Gulidimen, và một nhánh vươn tới phía tây của biển về phía Kunlun… Muốn an toàn
thì nên tránh nó, vì đến gần rất nguy hiểm.”[48]


Cả đoạn này cũng thế,
không thấy nói là quân của Trung Hoa đi tuần tiễu quanh đảo hoặc đi viễn chinh
đổ bộ lên đảo. Ngược lại, quần đảo được tả như là một con quái vật, có phần ghê
gớm và đáng sợ, đáng tránh xa là đằng khác. Nếu tả một lãnh thổ mà mình xem như
sở hữu của mình thì không bao giờ văn lại xa lạ như vậy cả.


Trung Quốc cũng lập
luận rằng dưới thời Minh, thế kỷ XV, nhà thám hiểm Cheng Ho (Trịnh Hoà) đã đi
xuyên Biển Đông 7 lần, và khi trở về đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ.[49]


Tuy nhiên, những
chuyến đi này hoàn toàn không hề có sự chiếm hữu hai quần đảo nói trên.[50]

Những chuyến đi này không phải là viễn chinh để chiếm hữu đất mà nhằm thám hiểm
biển để biết địa hải, tìm mối giao thương, và phô trương lực lượng với các quốc
gia trong vùng, chư hầu của Trung Hoa.[51]



Tác giả Samuels kết
luận rằng ngay trong thời ấy các đảo vẫn không được Trung Hoa chú ý tới.[52]


Để kết luận cho đoạn
“chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”, chúng ta có thể nói rằng những đoạn viết
trước thế kỷ XIII chỉ chứng minh được việc các thuyền của Trung Hoa có đi lại
trên biển Nam Hải. Những tại liệu này không nói đến một tên đảo nào trong hai
quần đảo cả. Những tài liệu đầu tiên nêu tên đảo là những tài liệu cuối đời nhà
Nguyên và dưới đời nhà Tống (thế kỷ XIII). Tuy nhiên những tài liệu này nêu tên
Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường – không biết có phải là Xisha và Nansha
hay không, nhất là Vạn Lý Thạch Đường – được tả nằm ở phía đông đảo Hải Nam, thì
chắc chắn không phải là Nansha, mà có thể là Macclesfield Bank. Dù sao, những
tài liệu này cũng chỉ chứng minh các thuyền của Trung Hoa có đi ngang và tình cờ
thấy các đảo này trên lộ trình xuyên Biển Đông. Không có chữ nào cho thấy rằng
Trung Hoa đã cho tàu đi tuần tiễu quanh các đảo đó với tư cách là chủ của đảo,
để bảo vệ đảo, như là biên giới của mình. Cũng không có câu nào chứng minh rằng
Trung Hoa đã tổ chức những cuộc viễn chinh trên hai quần đảo Xisha và Nansha, mà
chỉ nói đến đi trấn an Giao Chỉ, viễn chinh ở Malaixia, Bornéo, Java.


Theo luật quốc tế cổ
điển thì chỉ nhìn thấy đảo không cần đổ bộ lên là được chủ quyền trên quyền khám
phá. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này áp dụng cho các quốc gia phương Tây ngày xưa ra
đi để khám phá, để tìm đất mới. Còn Trung Quốc chỉ đi ngang, tình cờ thấy, sau
đó không hề chiếm hữu, không hề xem đảo như là của mình, để rồi mấy thế kỷ sau,
khi quốc gia khác chiếm, mới cho rằng mình đã khám phá. Trường hợp như vậy cũng
phải đặt câu hỏi là chỉ tình cờ trông thấy, không hề có ý định chiếm đất thì có
thực sự là quyền khám phá theo nghĩa pháp lý hay không? Có thể nại quyền khám
phá hay không khi thiếu yếu tố tinh thần là ý chí muốn tìm thấy đất mới và xem
nó thuộc quyền sở hữu của mỉnh? Trường hợp Trung Hoa là “biết” chứ không phải
khám phá.[53]


Đặt giả thuyết là
Trung Hoa có quyền khám phá, thì quyền khám phá này mới là quyền ban đầu, quyền
phôi thai (inchoate title), bởi vì sau đó Trung Hoa không hề chiếm hữu
đảo, dù là chiếm hữu tượng trưng, không hề đổ bộ lên đảo, và không hề hành xử
chủ quyền. Nói chung là không hề xem đảo như là của mình. Toà án quốc tế đã phán
quyết nhiều lần rằng quyền khám phá phải được hoàn tất bởi sự chiếm hữu, trong
một thời gian tương đối, thì mới có hiệu lực.[54]


Giáo sư Marwyn
Samuels đã phân tích thái độ của Trung Hoa thời đó. Ông cho rằng chính sách của
Trung Hoa cuối thời nhà Minh và thời nhà Thanh, không quan tâm đến vùng biển
ngoài khơi mà chỉ chú tâm đến việc trấn giữ biên cương nội địa, vùng SinKiang
(Tân Cương), Mông Cổ và biên giới phía bắc, nên lực lượng hải quân rất kém.[55]


Dưới thời nhà Nguyên, là thời lực lượng hải quân hùng mạnh (thế kỷ XIV), Trung
Hoa cũng vẫn không quan tâm đến những đảo ngoài khơi biển Đông, và không có ý
định chiếm hữu chúng.[56]

Ngược lại, các thuyền bè còn sợ chúng và tránh không dám đến gần vì sợ đá ngầm
và nước cạn đã từng làm đắm bao nhiêu tàu của các nước khác. Các thuỷ thủ Trung
Hoa thời đó đã có câu tục ngữ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Trên đường
đi ra thì sợ Thất Châu (tức là Thất Châu Dương mà Trung Quốc bây giờ cho là
Xisha), trên đường đi về thì hãi Côn Lôn.”[57]


Với tâm lý thời đó
như vậy làm sao Trung Hoa có thể xem đảo như sở hữu chủ nhằm viễn chinh và tuần
tiễu quanh đảo nhằm bảo vệ đảo được? Điều này được kiểm chứng bởi những thái độ
im lặng không phản đối sự hành xử chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Trung Hoa biết
đến những hoạt động của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Nó cũng được kiểm chứng bởi
vụ đắm tàu La Bellona và Imeji Maru (xem mục I của bài này). Tất cả những dữ
kiện trên cho thấy Trung Hoa không những không hành xử chủ quyền, không xem
những quần đảo như của Trung Hoa, mà lại còn minh thị và mặc thị công nhận chủ
quyền của Việt Nam.



2. Hiệp ước 1887


Trung Hoa
ngày xưa đã viện dẫn Hiệp ước Pháp – Thanh ký năm 1887 để khẳng định rằng Hoàng
Sa và Trường Sa thuộc về mình. Sau này, phát ngôn viên của Trung Quốc và các tác
giả Trung Quốc đều nhiều lần dùng Hiệp ước này để khẳng định Hoàng Sa thuộc về
Trung Quốc.


Thực sự, Hiệp ước
này không phải là hiệp ước phân chia những đảo ở ngoài xa khơi (high sea)
giữa toàn bộ nước Việt Nam và Trung Hoa mà chỉ ấn định biên giới giữa miền Bắc
Việt Nam và Trung Hoa. Ngày nay, trong những cuộc đàm phán, Trung Quốc không
nhắc đến Hiệp ước này nữa. Nhưng cho đến hiện tại, không ít các tác giả mà phần
lớn là những tác giả Trung Hoa sống ở nước ngoài viết về vấn đề này, vẫn viện
dẫn Hiệp ước 1887 như một trong những lý lẽ chính để chứng minh là hai quần đảo
thuộc về Trung Quốc. Và một số các tác giả phương Tây, có lẽ vì ảnh hưởng dây
chuyền, dùng những bài viết trên, nên cũng kết luận là Hiệp ước này trao cho
Trung Hoa chủ quyền trên các đảo tranh chấp.[58]


Vì vậy, thiết tưởng cũng nên làm sáng tỏ sự lầm lẫn này, vì ảnh hưởng dây chuyền
của nó trong dư luận thế giới.


Một số tác giả trên
đã trích đoạn sau đây của Hiệp ước để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.


“Từ Quảng Đông,
những điểm tranh chấp nằm từ phía đông đến phía tây bắc của Móng Cái, ngoài biên
giới đã được hai phái bộ xác định, có thể coi là thuộc về Trung Quốc. Những hòn
đảo nằm ở phía đông dọc đường kinh tuyến đông 105°43’ của Paris, có
nghĩa là trục bắc-nam đi qua điểm phía đông của đảo Tch’a Kou hay Ouan-Chan (Trà
Cổ) và làm thành đường biên giới, cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Go-tho và
các đảo khác nằm phía tây của đường kinh tuyến thuộc về An Nam.”


Các tác giả trên lý
luận rằng vì Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía đông kinh tuyến Paris 105°43’
nên thuộc về Trung Quốc.[59]


Có tác giả cho rằng
phải giải thích Hiệp ước theo sát nghĩa lời văn trong Hiệp ước.[60]


Thực ra, nếu giải thích sát nghĩa, thì phải hiểu Hiệp ước 1887 là một hiệp ước
phân chia biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa mà thôi, chứ không phải
chia các đảo ở ngoài xa khơi (high sea, haute mer), không thuộc vùng biển
của miền Bắc Việt Nam. Chỉ cần nhìn tên của Hiệp ước cũng đủ để thấy điều đó.
Tên Hiệp ước là “Convention relative à la delimitation de la frontière entre
la Chine et le Tonkin.”
[61]


Hơn nữa, Công ước
Vienne về điều ước quốc tế có ấn định rằng một hiệp ước phải được giải thích sát
nghĩa những từ được dùng trong hiệp ước, nhưng nếu phương pháp này đưa đến một
sự “vô lý hay ngu xuẩn”, thì có thể dùng những tài liệu hoặc hiệp ước khác, có
liên quan đến hiệp ước này, hoặc tìm hiểu mục đích của hiệp ước để giải thích
những điểm không rõ rệt.[62]


Dựa vào những điều
khoản trên của Công ước Vienne, chúng ta có thể xét Hiệp ước 1887 theo ba phương
pháp: 1) xét sát nghĩa lời văn của Hiệp ước, 2) xét toàn thể bản Hiệp ước, và 3)
tìm hiểu mục đích của Hiệp ước.


2.1.

Xét sát nghĩa lời văn bản Hiệp ước


Việc này
thật ra rất đơn giản trong trường hợp Hiệp ước 1887, như đã nói trên, chỉ cần
nhìn tên của Hiệp ước trên bản chính bằng tiếng Pháp, cũng đủ thấy Hiệp ước này
chỉ liên quan đến biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Tiếng Pháp
“Tonkin” là miền Bắc Việt Nam. Trong thời thuộc địa, Pháp đã chia Việt Nam ra
làm ba kỳ: miền Bắc gọi là Tonkin, miền Trung gọi là An Nam hoặc vẫn giữ tên của
cả nước Việt Nam, và miền Nam gọi là Cochinchine. Các tác giả nêu trên tưởng
rằng Tonkin là toàn thể nước Việt Nam.


Chữ “frontière”
dùng trong Điều 2 của Hiệp ước cho thấy rõ ràng là kinh tuyến Paris 105°43’
là biên giới biển, nhưng chỉ là biên giới biển thuộc miền Bắc Việt Nam (Tonkin),
chứ không phải là đường phân chia các đảo ngoài khơi xa, ngang với miền Trung
Việt Nam và miền Nam Việt Nam. Hiệp ước đã ấn định rõ chiều hướng của biên giới
đó là hướng bắc nam, và nó kéo ngang góc đông của đảo Trà Cổ. Và vì đây là biên
giới giữa Tonkin và Trung Hoa nên phải hiểu biên giới này chấm dứt ở điểm nào
ngang với ranh giới mà trước kia Pháp đã ấn định giữa Tonkin và Annam (tức là
ranh giới giữa miền Bắc Việt Nam và miền Trung Việt Nam).


Việc ấn định biên
giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa cũng dễ hiểu nếu nhìn vào cách Pháp
chia và quản trị nước Việt Nam thời đó. Nhằm thực hiện chính sách “chia để trị”,
Pháp đã chia Việt Nam thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau. Miền Bắc theo
chế độ bảo hộ, miền Trung – vì hệ thống vua và triều đình Huế vẫn còn (dù chỉ là
tượng trưng) – nên theo chế độ tự trị, và miền Nam thì theo chế độ thuộc địa. Ba
miền được xem gần như ba xứ riêng biệt. Vì vậy, vấn đề ấn định biên giới chỉ là
giữa Tonkin (miền Bắc) và Trung Hoa mà thôi, chứ không phải miền Trung hoặc miền
Nam, là chuyện dễ hiểu đối với chính sách thuộc địa của Pháp thời đó. Nói tóm
lại, dùng phương pháp giải thích sát nghĩa cho thấy hai chữ “Tonkin” và “frontière
chỉ rõ đây là biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Nó bao gồm biên
giới đất và biên giới biển tức là vùng Vịnh Bắc Bộ.[63]

2.2.
Xét toàn bộ bản Hiệp ước



Toàn bộ bản Hiệp
ước không có chỗ nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa. Toàn văn bản Hiệp ước nói
đến việc kẻ biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa, và ấn định những điểm
mà Uỷ ban kẻ biên giới của hai bên Pháp-Thanh không đồng ý với nhau được, đó là
hai đoạn biên giới Vân Nam và Quảng Đông.


Các tác giả nói
trên chỉ viện dẫn đoạn liên quan tới đoạn biên giới Quảng Đông. Tuy nhiên, trước
đó, Hiệp ước có nói: “Những điểm mà Uỷ ban hai bên không đồng ý với nhau được,
và những điều chỉnh được dự trù ở Điều 3 của Hiệp ước 9-6-1885 được ấn định như
sau: ở Quảng Đông, những điểm tranh chấp…”.


Sau đoạn nói đến
biên giới Quảng Đông, tới đoạn ấn định biên giới Vân Nam: “Trên vùng biên giới
Vân Nam, đường biên giới được ấn định như sau:…”[64]



Nếu theo sự giải
thích của Trung Hoa, là tất cả những đảo nào nằm ở phía đông của kinh tuyến
Paris 105°43’ thuộc về Trung Hoa, thì không những Hoàng Sa, Trường
Sa, mà tất cả các đảo ven bờ biển Việt Nam nằm ở phía đông của kinh tuyến Paris
105°43’ đều thuộc về Trung Quốc. Sự giải thích đưa đến một kết luận
“vô lý hoặc ngu xuẩn” (absurd or unreasonable) theo đúng như danh từ mà
Công ước Vienne dùng. Do đó, chúng ta có thể tìm hiểu mục đích của Hiệp ước 1887
bằng cách xét các tài liệu và các hiệp ước liên quan đến Hiệp ước 1887.

2.3.
Mục đích của Hiệp ước 1887


Nếu đọc bản
báo cáo của ông Dureau de Vaulcomte gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp giải thích Hiệp
ước 1887, chúng ta càng thấy rõ hơn mục đích của Hiệp ước là kẻ hai đoạn tranh
chấp của biên giới miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa.[65]


Hiệp ước 1887 được ký thể theo Điều 3 của Hiệp ước 1885 là một hiệp ước hữu nghị
nhằm chấm dứt sự xung đột giữa hai bên Pháp – Thanh. Sau khi Pháp đưa quân đến
Việt Nam thì ba Tổng đốc: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cho quân vượt biên
giới giữa Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này và vãn
hồi lại biên giới cũ, Pháp đã thoả thuận với Trung Hoa ở Điều 3 của Hiệp ước
1885, là hai bên sẽ lập một Uỷ ban kẻ biên giới gồm chuyên viên của cả hai bên
để kẻ lại biên giới. Hiệp ước 1885 cũng ấn định là nếu có điểm bất đồng giữa
chuyên viên của hai bên về bất cứ điểm nào liên quan đến việc kẻ biên giới thì
Uỷ ban này sẽ chuyển vấn đề sang cho chính quyền hai bên xét xử.[66]

Biên giới được kẻ chia ra làm ba đoạn: đoạn biên giới Quảng Tây, đoạn biên giới
Quảng Đông, và đoạn biên giới Vân Nam. Việc ấn định đoạn Quảng Tây không gặp rắc
rối gì, nhưng hai bên không thoả thuận được trong việc kẻ hai đoạn biên giới
Quảng Đông và Vân Nam. Từ đó mới có Hiệp ước 1887 do hai chính quyền ký để giải
quyết hai đoạn biên giới trên.


Tại Quảng Đông, sự
bất đồng liên quan đến vùng Paklung (Bạch Long) và những đảo quanh đó. Vì có
quân thổ phỉ từ Trung Hoa sang tập trung ở vùng này, nên Pháp đã đưa quân đến
chiếm đóng. Trung Hoa phản đối, đòi vùng này là vùng của Trung Hoa. Do đó, mới
xảy ra sự tranh chấp.[67]


Như vậy, sự tranh
chấp không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó, Trung Hoa chưa để ý đến
hai quần đảo này, và Pháp cũng chưa biết rằng Việt Nam đã có chủ quyền trên hai
quần đảo đó. Vì thế lúc đó chưa hề có tranh chấp trên hai quần đảo này. Cho nên,
Pháp và Trung Hoa khi ký kết Hiệp ước 1887 không hề nghĩ đến hai quần đảo này.
Tóm lại, mục đích của Hiệp ước 1887 là kẻ hai đoạn biên giới Quảng Đông và Vân
Nam; và đường biên giới kẻ theo Điều 2 của Hiệp ước 1887 chỉ giới hạn ở biên
giới miền Bắc Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ mà thôi.


Trung Quốc một mặt
nói rằng Hiệp ước 1887 áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa, là những đảo nằm ngoài
khơi xa, nhưng mặt khác, khi bàn về biên giới vùng Bắc Bộ thì Trung Quốc lại
khẳng định rằng Hiệp ước này chỉ phân chia “những đảo ở vùng Bắc Bộ”, chứ không
phải là biên giới biển. Ngày 12 tháng 5 năm 1973, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung
Quốc Hàn Niệm Long (Han Nian Long) đã tuyên bố điều nói trên. Như vậy, Trung
Quốc tự mâu thuẫn.[68]

3. Những
lời tuyên bố của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa


Trung Quốc nói rằng
Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa vì những
dữ kiện sau đây:




· Ngày
15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói rằng “theo những tài liệu của Việt Nam, trên phương diện
lịch sử, Xisha và Nansha thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.”
· Ngày 14 thágn 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh
lạnh, khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam, tuyên chiến với Trung Quốc, và hạm
đội Mỹ đi lại tuần tiễu trên eo biển Đài Loan, Trung Quốc bèn tuyên bố lãnh hải
của mình là 12 dặm. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho
Thủ tướng Chu Ân Lai nguyên văn như sau:



“Thưa đồng chí Tổng

Chúng tôi
xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước
cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.



Chính phủ nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà
nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong
mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.




Chúng tôi xin gửi
đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.[69]


· Ngày 9 tháng 5 năm 1965, nhân lúc Mỹ leo thang chiến tranh tại
Việt Nam và ấn định những vùng chiến thuật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên
bố Xisha thuộc chủ quyền của Trung Quốc.



Những lời tuyên bố
trên không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản
lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng
hoà; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hoà luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt
Nam trên hai quần đảo. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt
Nam cũng không tuyên bố điều gì có thể làm hại đến chủ quyền này cả. Tác giả
Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau:



“Dans ce contexte,
les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam
sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du
gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut
renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”[70]


(Có thể dịch là:
“Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính
quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải
là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng
những gì người ta không kiểm soát được…”).


Một lý lẽ thứ hai
nữa là đứng trên phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc
đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc
gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hoà và
Philippin. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời
tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.


Nếu đặt giả thuyết
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa
trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực. Tuy nhiên, có
tác giả đã nêu thuyết “estoppel” để khẳng định những lời tuyên bố đó có
hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam, và Việt Nam bây giờ không có quyền nói ngược
lại.[71]


Theo luật quốc tế,
không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương
một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Điều 38 Quy chế Toà
án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những
nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia
không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt
động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at
the same time blow hot and cold
.”[72]


Nhưng thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia
tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó.


Thuyết estoppel bắt
nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục
đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những
thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác.[73]

Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính:



1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho
quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch (clair et non
equivoque
).[74]



2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời
tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc
không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance”.




3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên
bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi
phát biểu lời tuyên bố đó.[75]



4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu
một cách liên tục và trường kỳ. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh
Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án
“Ngôi đền Preah Vihear”,…[76]


Ngoài ra, nếu lời
tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ
làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng
buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó.[77]



Thuyết estoppel với những điều kiện trên đã được án lệ quốc tế áp dụng rất
nhiều. Trong bản án “Thềm lục địa vùng Biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và
Đan Mạch/Hà Lan, Toà án quốc tế đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho
Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những
lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về
thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời
tuyên bố đó.


Trong bản án “Những
hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Toà đã
phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời
tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc
lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn
phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và
do đó phải chịu thiệt hại”.[78]



Áp dụng những
nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2/ và 3/ đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và
năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào
lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Trung Quốc cũng không thể chứng
minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó. Lúc
đó hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là
anh em
”. Những lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình
hữu nghị Hoa-Việt.[79]

Hơn nữa, lời văn của bản tuyên bố không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận
chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa. Bức công hàm chỉ nói: “Chính phủ nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải
12 dặm của Trung Quốc), và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm
triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…”.


Lời tuyên bố của
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, một lời
tuyên bố ý định sẽ làm một việc gì (declaration d’intention). Thật vậy,
đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định
lãnh hải của Trung Quốc, và một lời hứa sẽ ra lệnh cho cơ quan công quyền của
mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung Quốc.


Một lời hứa thì lại
càng khó ràng buộc quốc gia đã hứa. Toà án Quốc tế đã ra thêm một điều kiện nữa
để ràng buộc một lời hứa: đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa.
Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay
không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Toà xét tất cả
những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được phát biểu trong bối
cảnh, trong những điều kiện nào (circonstances). Hơn nữa, nếu thấy quốc
gia đó có thể tự ràng buộc mình bằng cách ký thoả ước với quốc gia kia, thì lời
tuyên bố đó là thừa, và Toà sẽ kết luận là quốc gia phát biểu không thực tình có
ý muốn bị ràng buộc khi phát biểu lời tuyên bố đó. Vì vậy, lời tuyên bố đó không
có tính chất ràng buộc.



Trong bản án “Những
cuộc thí nghiệm nguyên tử” giữa Úc/Tân Tây Lan và Pháp, Pháp đã tuyên bố là sẽ
ngừng thí nghiệm nguyên tử. Toà án đã phán quyết rằng Pháp bị ràng buộc bởi lời
hứa vì Pháp thực sự có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.[80]


Trong trường hợp
Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung
Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông đã phát biểu những lời tuyên bố trên trong tình trạng khẩn trương, chiến
tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan
và đe doạ Trung Quốc. Ông đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm
gây một lực lượng chống đối lại với mối đe doạ của Mỹ.[81]


Lời
tuyên bố năm 1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như vậy. Động lực của lời
tuyên bố đó là tình trạng khẩn trương, nguy ngập ở Việt Nam. Đây là những lời
tuyên bố có tính chính trị, chứ không phải pháp lý.


Nếu xét yếu tố liên
tục và trường kỳ thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không
hội đủ tiêu chuẩn này. Estoppel chỉ đặt ra nếu chấp nhận giả thuyết Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một; và cả Pháp trong thời
kỳ thuộc địa, và Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 cũng là một đối với Việt Nam
hiện thời. Nếu xem như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia riêng biệt với
Việt Nam hiện thời, thì estoppel không áp dụng, vì như đã nói ở trên, lời tuyên
bố sẽ được xem như lời tuyên bố của một quốc gia không có quyền kiểm soát trên
lãnh thổ tranh chấp. Như vậy, nếu xem Việt Nam nói chung như một chủ thể duy
nhất từ xưa đến nay, thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là
một sự phát biểu có ý nghĩa chính trị trong đoản kỳ thời chiến, so với lập
trường và thái độ của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay.


Tóm lại, những lời
tuyên bố mà chúng ta đang phân tích thiếu nhiều yếu tố để có thể áp dụng thuyết
estoppel. Yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của
quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời
hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) rất quan trọng. Không có “reliance”
để giới hạn sự áp dụng của estoppel thì các quốc gia sẽ bị cản trở trong việc
hoạch định chính sách ngoại giao. Các quốc gia sẽ phải tự ép buộc cố thủ trong
những chính sách ngoại giao lỗi thời.[82]

Khi điều kiện chung quanh thay đổi, chính sách ngoại giao của quốc gia kia thay
đổi, thì chính sách ngoại giao của quốc gia này cũng phải thay đổi. Các quốc gia
đổi bạn thành thù và đổi thù thành bạn là chuyện thường.



Còn những lời hứa
đơn phương trong đó quốc gia không thật tình có ý muốn bị ràng buộc, thì nó
chẳng khác gì những lời hứa vô tội vạ, những lời hứa suông của các chính khách,
các ứng cử viên trong cuộc tranh cử.[83]

Trong môi trường quốc tế, nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” (état souverain)
rất quan trọng. Ngoại trừ tục lệ quốc tế và những điều luật của Jus Congens,
không có luật nào ràng buộc quốc gia ngoài ý muốn của mình, khi mà quốc gia này
không gây thiệt hại cho quốc gia nào khác. Vì vậy ý chí của quốc gia đóng một
vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất ràng buộc của một lời hứa đơn
phương.






III. KẾT LUẬN


Những phân tích
trên cho thấy lý lẽ của Việt Nam mạnh hơn của Trung Quốc, vì Việt Nam đã sử dụng
hai quần đảo liên tục trong ba thế kỷ, sử dụng một cách hoà bình không có sự
phản đối của bất cứ một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Không những thế, sách sử
của Trung Quốc lại còn công nhận rằng những quần đảo đó là vòng đai phòng thủ
của Việt Nam, và qua thái độ của họ trong thời gian đó thì Trung Quốc cũng đã
mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam trên những quần đảo này. Nếu cho rằng
Chúa Nguyễn đã khai thác các đảo từ đầu thế kỷ XVII, sau gần 100 năm, chủ quyền
lịch sử của Việt Nam đã hoàn tất. Chủ quyền lịch sử đó lại được củng cố thêm qua
sự chiếm hữu của vua Gia Long và Minh Mạng. Đồng thời, chủ quyền vẫn được hành
xử liên tục qua sự khai thác và quản trị của hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải, là
những bộ phận của nhà nước.


Phía Trung Quốc
cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh rằng mình đã khám phá và hành xử chủ
quyền trước tiên. Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ cho thấy những thuyền bè của
Trung Quốc thời đó đã lui tới Biển Đông, và trong lộ trình, họ tình cờ thấy
những đảo mang nhiều tên khác nhau, nhưng không có đảo nào tên là Xisha hay
Nansha. Nếu đặt giả thuyết là Trung Quốc đã khám phá ra những đảo này, thì Trung
Quốc đã không hành xử chủ quyền trên đó. Sự hiện diện của những người đánh cá
không đủ để gọi rằng đó là hành xử chủ quyền của nhà nước. Do đó, chủ quyền lịch
sử mà Trung Quốc khẳng định mình có, rất yếu. Phần lớn các tác giả luật gia
chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này.[84]


So sánh chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi hai bên, chúng ta có thể kết luận rằng
giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam mới là quốc gia có chủ quyền lịch sử
trên hai quần đảo. Phân tích còn cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã được
hoàn tất từ thế kỷ XVII, dưới thời Chúa Nguyễn.


Hiệp ước Pháp-Thanh
1887 không trao chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc
vì Hiệp ước này chỉ là hiệp ước ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và
Trung Hoa. Do đó, nó chỉ ấn định phần biên giới ở Vân Nam, Quảng Đông và Vịnh
Bắc Bộ.


Những
lời tuyên bố trước đây của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hai quần đảo này không có hiệu lực vì
trước năm 1975 hai quần đảo này không thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, mà thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà. Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa lúc đó không phải là quốc gia tranh chấp, nên những lời tuyên bố này chỉ là
những lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không liên can. Hơn nữa, lúc đó nếu
không chấp nhận rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia thứ ba, thì
“estoppel” cũng không áp dụng trong những trường hợp này, vì Trung Quốc đã không
bị thiệt hại gì, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hưởng lợi gì qua những
lời tuyên bố đó. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là một lời hứa bị
tác động bởi hoàn cảnh chiến tranh. Cuối cùng, nếu xem ba lời tuyên bố này như
là của Việt Nam nói chung, thì nó thiếu tính liên tục và trường kỳ để có thể làm
mất đi chủ quyền của Việt Nam, với tư cách là một chủ thể duy nhất, đã hành xử
và khẳng định quyết liệt từ hơn ba thế kỷ nay.


Trên thực tế thì
hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cho
xây cất nhiều công trình nhằm củng cố sự chiếm hữu bất hợp pháp. Một sự chiếm
hữu bất hợp pháp, với thời gian, nếu không có sự phản đối từ quốc gia kia, và
nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, sẽ tạo nên chủ quyền cho quốc gia
chiếm hữu. Vì thời gian với sự công nhận sẽ “tẩy xoá tội lỗi”.[85]


Trong hoàn cảnh
hiện tại, muốn bảo đảm cho sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ
quyền được, thì Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ
quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). Việt Nam cũng nên công khai đề
nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Toà án Quốc tế. Nếu
Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng
định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ
chối một giải pháp pháp lý.


Còn Trường Sa thì
hiện nay đang bị 6 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm giữ là: Philippin, Việt Nam,
Đài Loan, Trung Quốc, Malaxia và Brunây. Quốc gia nào cũng đòi chủ quyền của
mình trên hết cả quần đảo hoặc một số đảo. Đến nay, vấn đề vẫn chưa giải quyết
được mà còn trầm trọng thêm.


Năm 1988, Trung
Quốc lần đầu tiên ra đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa, tàu của Việt Nam bị đánh
đắm, nhưng Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một
sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất của chiến tranh. Như vậy, có thể suy đoán
Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì mà không tiếp tục sử dụng vũ lực. Từ đó đến
nay, lâu lâu, Trung Quốc lại chiếm thêm vài đảo ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc
một mặt vẫn hô hào tôn trọng luật quốc tế, và đề nghị thương thuyết song phương,
nhưng lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm.[86]

Vì vậy, không thể dựa vào những lời nói của Trung Quốc để kết luận rằng Trung
Quốc sẽ ngừng không dùng vũ lực. Viễn tưởng Trung Quốc dùng biện pháp vũ lực để
thôn tính hết các đảo tại quần đảo Trường Sa càng dễ xảy ra hơn, khi mà Mỹ và
Nga đã rút khỏi Biển Đông, để lại một khoảng trống chính trị và quân sự tại vùng
này, khiến cho Trung Quốc hiện nay là một quốc gia bá chủ ở Biển Đông.[87]


Điều này rất đáng lo ngại. Trung Quốc nắm hết cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa là nắm hết Biển Đông, mà Biển Đông là con đường giao thông quan trọng của các
thuyền bè Nga, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới.[88]


Một giải pháp
thương thuyết song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp
khó thực hiện được một cách công bằng, vì sức mạnh để thương thuyết giữa hai bên
không bằng nhau, nó chênh lệch và mạnh dĩ nhiên là Trung Quốc. Cũng vì vậy mà
Trung Quốc cho đến nay chỉ chấp nhận thương thuyết song phương. Trung Quốc muốn
thương thuyết song phương để buộc quốc gia đối phương phải thương thuyết theo
chiều mà Trung Quốc muốn. Nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực.[89]

Đây chỉ là một chiến thuật để Trung Quốc tranh thủ thời gian để củng cố thêm thế
của mình đối với hai quần đảo. Thời gian càng kéo dài thì càng có lợi cho Trung
Quốc.


Giải pháp khai thác
chung mà Trung Quốc đề nghị không thể thực hiện được khi mà vấn đề chủ quyền
chưa được giải quyết. Như vậy, thời gian càng kéo dài thì lại càng củng cố được
những sự chiếm hữu bất hợp pháp, và quốc gia nào có chủ quyền pháp lý vững vàng
sẽ bị thiệt thòi.


Giải pháp đưa ra
Toà án Quốc tế hoặc Trọng tài Quốc tế có lẽ công bằng nhất, nhưng Trung Hoa ngày
xưa đã hơn một lần phủ nhận giải pháp này, khi Pháp đề nghị vào năm 1932 và năm
1947. Đối với Trung Quốc bây giờ thì lại càng khó hơn nữa.


Giải pháp hiện
thời, thực tiễn nhất là đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Liên
hợp quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách
khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự vào. Hơn
nữa, trường hợp Liên hợp quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong
việc giải quyết, Liên hợp quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Toà án quốc tế và yêu
cầu Toà cho ý kiến (avis consultatif) mà không cần sự đồng ý của bất cứ
quốc gia nào. “Thủ tục cho ý kiến” của Toà án Quốc tế không có hiệu lực quyết
định như một bản án thực sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận
thế giới. Vụ tranh chấp vùng Tây Sahara đã được Toà cho ý kiến trong những hoàn
cảnh như trên (nghĩa là thể theo yêu cầu của Liên hợp quốc).




[90]


Cuộc tranh chấp hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng
lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hoà bình thế giới.


*
Tham luận đọc tại Hội Thảo Hè Vấn Đề Tranh
Chấp Biển Đông tại New York City, ngày
15-16 tháng 8, 1998.





[1] Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne.
[2] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Trích từ Võ Long Tê,
Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages
viêtnamiens d’histoire et de geographie, Sài Gòn, 1974, tr. 62.
[3] Eveil economique de l’Indochine, no. 741.

LIbrarie Générale de Droit et de Jurisprudence, Paris, 1975. tr.
401-402.
[4] Nguyễn Quốc Định: Droit International Public,

[5] Robert Jennings: The acquisition of territory
in international law (New York, 1963), viện dẫn Charles de Visscher.
Luật gia Charles de Visscher viết như sau về phương pháp consolidation:
“… Le long usage établi, qui en est le
fondement, ne fait que traduire un ensemble d’interêts et de relations
qui tendent par eux meme à rattacher un territoire ou un espace maritime
à un état determine… elle peut être repute acquise… par une absence
d’opposition suffisemment prolongée…”, xem Jennings, tr. 25, lưu ý 2.
[6] Võ Long Tê, Kes archipels de Hoàng Sa et de
Trường Sa selon les anciens ouvrages viêtnamiens d’histoire et de
geographie,
Sài Gòn, 1974, tr. 39 và 40.
[7] Sđd., tr. 34-35.

[8] Sđd. tr. 48.
[9] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, 1776. Vụ
Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam viện dẫn: Chủ quyền của
Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
Hà Nội, 1979,
tr. 13.
[10] Sđd, tr. 14-15.

[11] Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ
phận lãnh thổ của Việt Nam
, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 13 và
14.
[12] Võ Long Tê, Sđd, tr. 69.

[13] M.A. Dubois de Jancigny: Thế giới, lịch sử và
sự mô tả các dân tộc, các tôn giáo của họ, Ceylan, (1830). Võ Long
Tê viện dẫn, Sđd, tr. 168.
[14] J. B. Chaigneau (1769-1825): Notice sur la
Cochinchine, 1820. Võ Long Tê viện dẫn, Sđd, tr. 168.

[15]
Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao, Sđd, tr.
21.
[16] Võ Long Tê, Sđd, tr. 100.
[17] Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao, Sđd, tr.
21.
[18] Sđd, tr. 25.
[19] Gutzlaff: Geography of the Cochinchinese
Empire in Journal of the Geographical Society of London, 1849, tập
XIX. Viện dẫn bởi Nhà xuất bản Sự thật, Sđd, tr. 16, Gutzlaff viết như
sau:
“Chính phủ An Nam thấy đặt một
hạn ngạch thuế thì có thể thu được nhiều lợi bèn lập những trưng thuyền
và một trại quân nhỏ ở chỗ này (tức quần đảo Paracel, mà tác giả gọi là
KatVang) để thu thuế mà mọi người tới đây đều phải nộp…”
[20] Vụ án Clipperton: Recueil des Sentences
Arbitrales, tập II.
[21] Teh-Kuang Chang: China’s claim of sovereignty
over Spratley and Paracel Islands: a historical and legal perspective,
Case Western Reserve Journal of International Law, vol. 23
(1991), p. 418.
[22] Jian-Ming Shen: International law rules and
historical evidence supporting China’s title to the South China Sea
islands, Hastings International and Comparative Law Review, vol.
21 (1997), p. 22 & 23.
[23] Vụ án đảo Palmas: Receuil des Sentences
Arbitrales, tập II, tr. 859-860.
[24] Monique Chemillier-Gendreau: La souveraineté
sur les Paracels et Spratleys. L’Harmatan, Paris, 1996, p. 71.
[25] Võ Long Tê, Sđd, tr. 111.



[26] Sđd, tr. 110.
[27] Gendreau, Sđd, tr. 21, 23.
[28] Võ Long Tê, Sđd, tr. 134.
[29] Võ Long Tê, Sđd, tr. 61.
[30] Sđd, tr. 157.
[31] Tao Cheng: The dispute over the South China Sea
Islands, Texas International Law Journal, vol. 10 (1975), p. 272.
[32] Jian-Ming Shen, Sđd, tr. 18.
[33] Sđd, tr. 17.
[34] Elizabeth van Wie Davis: China and the Law of
the Sea Convention, Follow the Sea, New York, 1995, p. 154.
Cũng xem Marwyn Samuels: Contest for
The South China Sea, New York/London, 1982, tr. 16.
Và Shen, Sđd, tr. 21.
[35] Van Wie Davis, Sđd.

Cũng xem Shen, Sđd, tr. 31.

Cũng xem Hungdah Chiu & Choon-ho Park:
Legal status of the Paracels and Spratly Islands, Ocean Development
and International Law Journal,
tập 3 (1975), tr. 43.
[36] Samuels, Sđd, note 31, tr. 38.
[37] Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1995,
tr. 10.
[38] Shen, Sđd, tr. 15.
[39] Sđd, tr. 18.
[40] Sđd, tr. 19.
[41] Sđd, tr. 20.


[42] Sđd, tr. 21.

[43] Sđd, tr. 20 và 21. Cũng xem Teh Kuang
Chang, Sđd, tr. 400, và Hungdah Chiu, Sđd, lưu ý 32, tr.
463 và 465.
[44] Shen, Sđd, tr. 27.
[45]
Sđd.
[46] Xem chú thích 2 ở trang 361, Chiu, Sđd,
lưu ý 32.
[47] “… guo Qizhou Yang, Wanlishitang…”. Chữ “guo” của
tiếng Trung, nghĩa là “qua” của tiếng Việt.
[48] Shen, Sđd, tr. 28.
[49] Hungdah, Sđd, tr. 463.
[50] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 17.
[51] Samuels, Sđd, tr. 21 và 22.
[52] Sđd, tr. 23.
[53] Gendreau, Sđd, tr. 57 và 58. Cũng xem Lưu
Văn Lợi, Sđd, tr. 14.
[54] Vụ án đảo Palmas, Sđd, tr. 846. “Inchoate
title must be completed within a reasonable time by effective occupation
of the region…”.
[55] Samuels, Sđd, tr. 30-31, 42.
[56] Sđd, tr. 20.
[57] Sđd, tr. 17 và 21.
[58] Ít ra các tác giả sau đây đã viện dẫn Hiệp ước
1887:
- Hungdah, Sđd, tr. 464 và 467.

- Shen, Sđd, tr. 119.
- Tao Cheng, Sđd, tr. 274.

- John Chao: South China Sea: boundary problems relating to the
Nansha and Xisha Islands, Chinese Yearbook of International Law, tập 9
(1989-1990): tr. 119 và tiếp theo.
- Steve Kuan Tsy Yu, Who owns the Paracel and Spratlys? An
evaluation of the nature and legal basis of the conflicting territorial
claims, Chinese Yearbook of International Law, vol. 9
(1989-1990): p. 5, 7 and 8.
- Choon-ho Park, The South China Sea dispute: Who owns the islands
and the natural resources? Ocean Development and International Law
Journal,
vol. 5 (1978): p. 34.
- Marwyn Samuels, Sđd, tr. 52-53.

- Brian Murphy, Dangerous ground: the Spratly Islands and
international law, Ocean and Coastal Law Journal, vol. 1 (1994),
p. 201.
- Elizabeth van De Wie, Sđd, tr. 52-53.

- Michael Bennet, The PRC and the use of international law in the
Spratly Islands dispute, Stanford Journal of International Law,
vol. 28 (1992), p. 446.
[59] Hungdah, Sđd, tr. 464.
[60] Shen, supra, tr. 120.
[61] Receuil des Traités de la France, Tome 17
(1886- 1887). Duran & Pedone (Paris), 1891, p. 387.
[62] Convention de Vienne sur le Droit des Traités,
1969, Art. 32.
[63] Có tác giả đã cho rằng Hiệp ước 1887 không ấn
định biên giới biển, xem Elizabeth van De Wie, Sđd, tr. 156. Tuy
nhiên, nếu theo sát nghĩa lời văn của Điều 2 của bản Hiệp ước (tức là
hiểu những từ theo nghĩa thông thường của chúng) thì rõ ràng là kinh
tuyến Paris 105°43’ là biên giới biển giữa miền Bắc Việt Nam
và Trung Hoa.
“Les Iles qui sont à l’est du
meridien de Paris 105°43’, … c’est à dire de la ligne
Nord-Sud passant par le point oriental de l’èle de Tra Co, et
formant la frontière…”
[64] Receuil des Traités, Sđd, tr. 387 và 388.
[65] Sđd, Rapport Vaulcomte, tr. 187.
[66] Traité de Paix, d’Amitié et de Commerce conclu à
Tien-Tsin le 9/6/1885 entre la France et la Chine, trong Receuil des
Traités de la France,
Tome 16, tr. 496.
[67] Rapport Vaulcomte, Sđd, tr. 189-191.


[68] Shen, Sđd, tr. 123.

[69] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 105.


[70] Gendreau, Sđd, tr. 123.

[71] Shen, Sđd, tr. 57.

[72] Charles Vallée: Quelqques observations sur
l’estoppel en Droit des gens, Revue Générale de Droit International
Publie
(1973), p. 951, note 7.
[73] D. W. Bowett: Estoppel before International
Tribunals and its relation to acquiescence, Bristish Yearbook of
International Law,
vol. 33 (1957), p. 177.
[74] Antoine Martin: L’Estoppel en droit international
public Précédé d’un apercu de la théorie de l’estoppel en droit anglais,
Revue Générale de Droit International Publie, vol. 32 (1979), p.
274.
[75] Sđd, tr. 286-300.


[76]
Délimitation de la frontière maritime dans la
region du Golfe de Maine, Cour Internationale de Justice Receuil,
1984, p. 309-310.
- Activités militaires et para-militaires au Ncarague et contre
celui-ci, Cour Internationale de Justice Receuil, 1984. p.
414-415.
- Affaire du Temple Préah Vihear, Cour Internationale de Justice
Receuil, 1962, p. 22-23, 32.
[77] Brigitte Bollecker-Stern: L’Affaire des essays
nucléaires francais devant la Cour Internationale de Justice,
Annuaire Francais de Droit International
(1974), p. 329.
Cũng xem Megan Wagner:
Jurisdiction by Estoppel in the International Court of Justice,
California Law Review, vol. 74, p. 1792.
[78] Cour Internationale de Justice Receuil
1984, Sđd, p. 414.
[79] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 75.
[80] Cour Internationale de Justice Receuil,
1974, tr. 267 và 269.
[81] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 104-110.
[82] Megan Wagner, Sđd, lưu ý
64, tr. 1780.
[83] Bollecker – Stern, Sđd,
tr. 331.
[84] Trong các tác giả phương Tây
khẳng định lý lẽ chủ quyền lịch sử của Trung Quốc rất yếu, có ít nhất
các tác giả sau:
- Bennett, Sđd, tr. 446;
- Murphy, Sđd, tr. 201;
-
Roque Jr., Sđd, tr. 203;

- Chemillier – Gendreau, Sđd, tr. 66;
- Jean Pierre Ferrieer, xem tiếp, tr. 182;

- Samuels, Sđd, tr. 40. Giáo sư Samuels không bàn đến vấn đề
chủ quyền, nhưng phân tích lịch sử sự liên hệ của Trung Hoa đối với biển
Đông và các đảo; ông viết rằng cho đến thế kỷ XIX không có bằng chứng
nào rằng nhà Thanh đã chiếm hữu những đảo này làm sở hữu của mình:
“By the
mid-19th Century, the literari cognitive map of the South
China Sea had become more elaborate, but still barely touched upon the
islands of the sea… There is no evidence here that the Ching State had
in any sense absorbed the islands into the imperial domain.”
[85] Jean Pierre Ferrier: Le conflit des iles Paracels
et le problème de la souveraineté sur les iles inhabités, Annuảie
Francais de Droit International
(1975), p. 178: “… quoi qu’il en
soit la conquête militaire des iles par la Chine ne peut résoudre le
problème juridique: pour qu’une telle occupation, ellegale dans son
principe, puisse avoir des effets juridiques, il faut que la
reconnaissance par les autres états intervienne et ‘purge juridiquement
de ses vices’ l’annexion ainsi réalisée.”
[86] Mark Valencia: China and the South China Sea
disputes, Oxford University Press, London, 1995, p. 7.
[87] Bennett, Sđd, tr. 427.

[88] Jeannette Greenfield: China’s practice in the
Law of the Sea, Clarendon Press, Oxford, 1992, p. 13.
[89] Mark Valencia, Sđd, tr. 6 và 7. Cũng xem
Murphy, Sđd, tr. 209 và 210.
[90] Vụ Sahara Occidental, xem Avis Consultatif,
Cour Internationale de Justice Receuil, 1975, tr. 21 tới 28. Trong
những trang này, Toà nói về thẩm quyền cho ý kiến của mình thể theo Điều
65, Đoạn 1 trong Quy chế của Toà.
© Thời Đại Mới

1 comment:

Leave your comment here, and please check back in 1 or 2 days for a reply. Thank you :)

Click Subscribe by email to be announced when new comments are added :)

Hãy để lại comment và quay lại trong 1 hay 2 ngày để xem trả lời. Cám ơn :)

Hay có thể click Subscribe by email để được thông báo khi có comment mới :)